UBND tỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh |
6-12-2024 |
UBND tỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII, sáng ngày 05/12, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh về các nội dung UBND tỉnh trình kỳ họp. Cổng TTĐT tỉnh đăng tải toàn văn phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp này. Kính thưa đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp. Thưa toàn thể cử tri trong tỉnh! Qua thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh Khóa XII tại Kỳ họp thứ 8, đã có tổng cộng 57 lượt ý kiến được các đại biểu đưa ra với những ý kiến tâm huyết, xác đáng, mang tính xây dựng; trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề liên quan đến một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tình hình thu, chi ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; một số nội dung thuộc lĩnh vực xã hội, giải quyết đất ở và đất sản xuất, giảm nghèo; phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát; tình hình an ninh trật tự và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri. UBND tỉnh tiếp thu đối đa các ý kiến xác đáng và xin chọn những vấn đề trọng tâm, nhiều đại biểu quan tâm để giải trình, báo cáo làm rõ thêm như sau: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 Đại biểu có ý kiến: Đề nghị làm rõ hơn về việc duy trì các tiêu chí đối với các xã đã đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, vì hầu hết hiện nay các xã đã đạt nông thôn mới đều rớt từ 1 đến 5 tiêu chí. Đề nghị cần có giải pháp để duy trì các tiêu chí đối với các xã đã đạt nông thôn mới. UBND tỉnh báo cáo như sau: Đến nay toàn tỉnh đã có 49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 36 xã được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí cũ giai đoạn 2010-2020 và 13 xã được công nhận theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025); 08 xã nông thôn mới nâng cao. Qua rà soát, các xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới (13 xã) vẫn đảm bảo duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí; riêng trong 36 xã được công nhận theo bộ tiêu chí cũ, có 20 xã chưa đảm bảo duy trì đạt chuẩn 19/19; số tiêu chí chưa đạt chuẩn của các xã dao động từ 1 đến 4 tiêu chí. Nguyên nhân: Theo bộ tiêu chí mới số tiêu chí vẫn được giữ nguyên 19 tiêu chí nhưng số chỉ tiêu tăng từ 49 chỉ tiêu lên 57 chỉ tiêu (tăng thêm 08 chỉ tiêu), đồng thời phần lớn các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí mới yêu cầu mức độ đạt chuẩn cao hơn nhiều nên rất khó cho các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện khó khăn như khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc trong đó có tỉnh Kon Tum trong triển khai thực hiện. Xác định việc duy trì các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng và cần phải tập trung triển khai thực hiện; do đó, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại thực trạng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 để có giải pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo duy trì đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới, phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo duy trì đạt chuẩn 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Tiếp thu ý kiến đại biểu, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát lại thực trạng tại các xã để có giải pháp thực hiện và đề ra các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới cho phù hợp. Đại biểu có ý kiến: Đối với chỉ tiêu 100% đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất: đề nghị báo cáo làm rõ diện tích đất thu hồi từ các nông lâm trường là bao nhiêu, đất còn lại là bao nhiêu giao về cho địa phương để bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do để đạt được 100% chỉ tiêu phải có quỹ đất để bố trí. Trong khi đó các khu tái định cư đang được triển khai, tại khu tái định cư huyện Đăk Glei có 110 hộ tuy nhiên mới chỉ có 90 hộ (thời gian thực hiện 4 năm) đối với 21 hộ đang gặp khó khăn trong việc bố trí đất tái định cư. Việc bố trí khu tái định cư tại huyện Tu Mơ Rông đang gặp nhiều khó khăn như: vướng quy hoạch đường giao thông, việc đo đạc cấp lại diện tích đất cho các hộ dân chưa đảm bảo. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét lại và có giải pháp để đảm bảo thực hiện được chỉ tiêu này. UBND tỉnh báo cáo như sau: Năm 2013, UBND tỉnh ban hành phương án giải quyết đất giao chồng lấn, đất lấn chiếm nằm trong lâm phần các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 22/11/2013) với tổng diện tích thu hồi khoảng 53.000 ha giao về cho các địa phương quản lý, bố trí sử dụng. Do đó, để phấn đấu 100% người đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất thì các huyện, thành phố có phương án sử dụng đất để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân đồng bào DTTS từ quỹ đất đã thu hồi nêu trên. Đồng thời, thực hiện quy định của Luật Đất đai 2024, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 82/2024/NQ-HĐND ngày 12/11/2024 về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và cá nhân người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Thực hiện Nghị quyết trên, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4362/UBND-NNTN ngày 03/12/2024, trong đó đã giao các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ để giải quyết chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể đã giao UBND các huyện, thành phố lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, lập dự án tạo lập quỹ đất để giao đất thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đã giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vào phương án hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Do đó, UBND tỉnh sẽ phấn đấu năm 2025 sẽ đạt được chỉ tiêu giải quyết đất ở, đất sản xuất 100%. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và các đơn vị có liên quan rà soát, xử lý các vướng mắc, đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết tháo gỡ nếu vượt thẩm quyền của cấp huyện. Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2025 Đại biểu có ý kiến: Theo Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản (Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/10/2024). Tại Khoản 2, Điều 5 của Nghị định đã quy định và phân cấp thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí. Trong đó, “b) Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương: HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.”. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh chưa trình HĐND tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh khí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum, do đó chưa đủ cơ sở pháp lý để bố trí dự toán mua sắm tài sản, trang thiết bị trong dự toán năm 2025 theo quy định của Nghị định trên. Đề nghị báo cáo làm rõ. UBND tỉnh báo cáo như sau: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính tổ chức triển khai thực hiện; Sở Tài chính đã có Công văn số 4496/STC-QLGCS ngày 04/11/2024 gửi các đơn vị, địa phương về việc triển khai Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 4162/UBND-KTTH ngày 19/11/2024 giao Sở Tài chính khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh các nội dung theo quy định tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, trên cơ sở hồ sơ tham mưu của Sở Tài chính, UBND tỉnh đã thống nhất trình Thường trực HĐND tỉnh đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật “Nghị quyết quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị và quy định phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kon Tum” để kịp thời triển khai Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó thời gian dự kiến thông qua Nghị quyết nêu trên vào Kỳ họp chuyên đề (sau Kỳ họp thứ 8), HĐND tỉnh Khóa XII. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết nêu trên để triển khai Nghị định số 138/2024/NĐ-CP trong thời gian sớm nhất (sau khi được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh). Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2025 tỉnh Kon Tum Đại biểu có ý kiến: Đề nghị UBND tỉnh rà soát các dự án chưa khởi công, tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ. UBND tỉnh báo cáo như sau: Qua rà soát, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kon Tum, còn 04 dự án nguồn xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước chưa được bố trí khởi công mới gồm: (1) Nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị quan trắc môi trường; (2) Chuyển đổi, triển khai hệ thống mạng, bảo mật internet IPv6 và hệ thống phân giải tên miền DNSSEC tỉnh Kon Tum; (3) Đầu tư hệ thống trang âm, thiết bị phim trường văn nghệ; (4) Dự án Đầu tư tuyến đường quy hoạch ký hiệu D7 thuộc Đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) Khu thương mại, dịch vụ và dân cư cửa ngõ phía Đông, thành phố Kon Tum. Hầu hết các dự án này được giao kế hoạch giai đoạn 2021-2025 ngay từ đầu giai đoạn nhưng chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, dẫn đến không có cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Trách nhiệm này thuộc về các chủ đầu tư trong việc chậm trễ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, làm cơ sở phân bổ kế hoạch vốn thực hiện theo quy định. Dự thảo Nghị quyết về giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đại biểu có ý kiến: Về giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xác định chỉ tiêu chung giảm nghèo toàn tỉnh: Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo đối với đồng bào DTTS miền núi 4% có đảm bảo hay chưa, xác định trên toàn tỉnh hay chỉ vùng đồng bào DTTS? Cần xem xét lại chỉ tiêu này cho phù hợp xem có bị lệch so với chỉ tiêu chung là 3% hay không? UBND tỉnh báo cáo như sau: Tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Kon Tum được Trung ương giao mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022-2025 vùng đồng bào DTTS và miền núi là 4%; theo đó tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 23/6/2022, HĐND tỉnh quyết nghị mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 là 4%. Như vậy chỉ tiêu này được giao thực hiện trong vùng đồng bào DTTS (không phải chỉ tiêu chung toàn tỉnh) gồm 92 xã, phường vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 08 thôn vùng đồng bào DTTS được phê duyệt tại Quyết định số 497/QĐ-UBDT ngày 30/7/2024 của Ủy ban Dân tộc. Dự thảo Nghị quyết giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tỉnh Kon Tum năm 2025 Đại biểu có ý kiến: Hiện nay tạm dừng tuyển công chức, tuy nhiên còn 88 chỉ tiêu chưa tuyển dụng như vậy có khó khăn gì trong việc hoạt động của các các cơ quan, đơn vị, sở ngành, địa phương hay không do việc thiếu biên chế? UBND tỉnh báo cáo như sau: Năm 2024, căn cứ số lượng biên chế được HĐND tỉnh giao, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc tuyển dụng biên chế công chức theo quy định, theo đó đã tuyển được 107/195 biên chế; còn 88 biên chế chưa tuyển dụng được (không tính 08 biên chế dự phòng). Hiện nay, do Trung ương đang chỉ đạo triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, theo đó yêu cầu tạm dừng việc tuyển dụng, bổ nhiệm. Việc tạm dừng tuyển dụng sẽ khó khăn cho các địa phương trong việc đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ, không đủ biên chế để bố trí vào các vị trí việc làm đã được phê duyệt. Tuy nhiên đây là chủ trương chung của Trung ương nên các địa phương phải chấp hành và thực hiện đảm bảo. Sau khi Trung ương có hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp tổ chức bộ máy và quản lý nguồn nhân lực sau sắp xếp bộ máy thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc quản lý, sử dụng, tuyển dụng biên chế công chức (đối với số chưa tuyển dụng) được HĐND tỉnh giao năm 2025 đảm bảo theo quy định. Nội dung khác: Đại biểu có ý kiến: Đề nghị UBND tỉnh đưa tuyến đường Tỉnh lộ 672 và 678 qua huyện Tu Mơ Rông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, vì tuyến đường này đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. UBND tỉnh báo cáo như sau: Thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm công tác đầu tư khắc phục các tuyến Tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có Tỉnh lộ 672 và 678 qua huyện Tu Mơ Rông; tuy nhiên thực tế triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên chưa đảm bảo nguồn để cân đối, bố trí đầu tư cải tạo các tuyến Tỉnh lộ này. Theo phương án dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của tỉnh (lần 1) tại Công văn số 3983/UBND-KTTH ngày 05/11/2024 của UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một số dự án liên quan đến các tuyến Tỉnh lộ này, cụ thể: Về Tỉnh lộ 678 có 3 dự án liên quan: (1) Đầu tư Đường giao thông liên huyện Tu Mơ Rông đi huyện Đăk Glei (Tỉnh lộ 678 kéo dài đi đường Hồ Chí Minh) - tổng mức đầu tư khoảng 954,8 tỷ đồng; (2) Đầu tư Tỉnh lộ 678A - tổng mức đầu tư khoảng 208 tỷ đồng; (3) Sửa chữa Tỉnh lộ 678 và cầu qua ngầm thôn Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao Tỉnh lộ 678 - tổng mức đầu tư khoảng 168 tỷ đồng; Về Tỉnh lộ 672 có dự án Sửa chữa Tỉnh lộ 672 - tổng mức đầu tư khoảng 87,75 tỷ đồng.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, sau khi có thông báo mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của Trung ương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của tỉnh, huyện, làm cơ sở lập, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án và triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách.
UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng qua thảo luận của các Tổ Đại biểu HĐND tỉnh Khóa XII tại Kỳ họp thứ 8, chi tiết nội dung tiếp thu có phụ lục kèm theo Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh.
Thưa quý vị đại biểu HĐND tỉnh và toàn thể cử tri trong tỉnh!
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trên tinh thần kịp thời, chủ động, không làm suy giảm động lực tăng trưởng của nền kinh tế, dồn sức, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết mà HĐND tỉnh đã thông qua tại kỳ họp lần này; cùng với sự nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra của năm 2024 và năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Một lần nữa, xin cảm ơn các vị đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp cùng UBND tỉnh chuẩn bị tốt nội dung, góp phần làm nên thành công của kỳ họp.
|
Công Dinh - ipc Kon Tum |
Số lượt xem:24 |