Ngày 21/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND, Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Biểu dương, tôn vinh những dự án, ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, để tạo sự lan tỏa về tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, ươm mầm, phát triển các ý tưởng kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới, qua đó xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được đầu tư và thương mại hóa sản phẩm. Thúc đẩy phong trào và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm những ý tưởng, dự án khởi nghiệp để tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Tạo lập môi trường thuận lợi để tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp thành công; hỗ trợ thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý, các chính sách và mạng lưới các cơ quan thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Hỗ trợ khoảng 200 dự án, ý tưởng khởi nghiệp, trong đó ít nhất 20% dự án, ý tưởng gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư. Hỗ trợ phát triển khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại hóa được sản phẩm, trong đó 20% doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư. Nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt từ 4.500 - 5.000 doanh nghiệp. Củng cố và phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức đoàn thanh niên, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. Xây dựng và phát triển Không gian khởi nghiệp và hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ Khởi nghiệp. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh thông qua việc kết nối các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: chính quyền, trường đại học, các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư ... nhằm tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất để dự án, ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn lực và hiện thực hóa dự án, ý tưởng. Kết nối với các Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp ở ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ toàn diện cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp và mới được thành lập phát triển.
Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Kon Tum. Các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Duy trì mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương, các trung tâm, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp, các Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đoàn thanh niên, các doanh nghiệp, trường học,... nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tư vấn về khởi nghiệp, tìm kiếm và giới thiệu đối tác kinh doanh; định kỳ tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp để tạo sự liên kết giữa các nguồn lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phổ biến “Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025” và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đến các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, sinh viên, học sinh, bộ đội xuất ngũ, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chuyên đề, phóng sự, bài viết, tài liệu, ấn phẩm… liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, nhất là những điển hình tốt về khởi nghiệp nhằm phát động phong trào, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp thường xuyên, tổ chức xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh trong tỉnh. Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh là cơ quan tổ chức xét duyệt dự án, ý tưởng. Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) là cơ quan đầu mối tiếp nhận, tham mưu cho Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh tổ chức xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Thời gian đăng ký và xét duyệt ý tưởng: Không giới hạn thời gian đăng ký và số lượng dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký. Khi có dự án, ý tưởng đăng ký, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất cơ quan thường trực báo cáo Hội đồng tổ chức xét duyệt. Các dự án, ý tưởng sau khi được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh xét duyệt được trao Giấy chứng nhận dự án, ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp; được xem xét hỗ trợ vốn có thu phí để kinh doanh và thương mại hóa sản phẩm từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư.
Tổ chức các lớp đào tạo cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho các đối tượng tham gia Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh, nhất là các tác giả có ý tưởng, dự án đăng ký tham gia xét duyệt; các Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phối hợp chặt chẽ với các trường Đại học, Cao đẳng trong công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng và triển khai các chương trình khởi nghiệp. Mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ làm công tác khởi nghiệp, tạo điều kiện để đội ngũ này được tham quan, trải nghiệm tại các nơi có các mô hình triển khai thành công.
Xây dựng “Không gian khởi nghiệp” tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum; Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum; các huyện, thành phố khi đủ điều kiện để tạo không gian làm việc chung, tổ chức sự kiện, tổ chức cung cấp dịch vụ, đào tạo, đầu tư, hỗ trợ đầu tư và các dịch vụ cần thiết khác về khởi nghiệp. Hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất “Không gian khởi nghiệp”.
Hỗ trợ về nguồn vốn, tín dụng các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có khả thi được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh xét duyệt, thông qua, trao Giấy chứng nhận khởi nghiệp được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum xem xét hỗ trợ vốn có thu phí để hiện thực hóa dự án, ý tưởng khởi nghiệp vào kinh doanh (mức hỗ trợ do Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh quyết định theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ).
Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có khả thi, được các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư xem xét cho vay và đầu tư nguồn vốn để thực hiện. Vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp trong và ngoài nước và khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp thành lập các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động trên địa bàn để hỗ trợ cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu các đề tài phục vụ cho phát triển dự án, ý tưởng khởi nghiệp từ các nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh.
Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh (lồng ghép với chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công hằng năm của tỉnh).
Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ Văn phòng, mặt bằng làm việc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ tham gia các gian hàng tại hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại để trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp.
Hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động và phát triển cả về chất và lượng. Nội dung và chính sách hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Văn bản hướng dẫn và Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Kinh phí thực hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương cân đối trong dự toán được giao đầu năm để triển khai nhiệm vụ. Trường hợp khó khăn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) để bổ sung kinh phí thực hiện. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định để đưa vào dự toán ngân sách hằng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung công việc được phân công tại Chương trình xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện (hoàn thành trong tháng 02 năm 2021). Định kỳ hàng quý (trước ngày 15 các tháng cuối quý) và sáu tháng (trước ngày 15 tháng 6) và hàng năm (trước ngày 15 tháng 12), báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) kết quả thực hiện.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình của các cơ quan, đơn vị. Định kỳ hàng quý (trước ngày 25 các tháng cuối quý) và sáu tháng (trước ngày 25 tháng 6) và hàng năm (trước ngày 25 tháng 12) tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.