Quan điểm phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến và chú trọng phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.
Mục tiêu phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông – Tây; Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Đa dạng các loại hình vận tải và phương tiện vận tải nhằm thỏa mãn nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng ngày càng cao.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 21,8 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,9%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 24,9 triệu HK/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,34%/năm.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Plei Ku (Gia Lai). Đẩy nhanh quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, QL14C, QL40, QL40B theo kế hoạch; đầu tư xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum và các thị trấn Đắk Hà, ĐắkTô, Ngọc Hồi, Đắk Glei. Tập trung đưa hệ thống đường tỉnh vào cấp kỹ thuật, nâng cấp tất cả các tuyến đường đạt tối thiểu cấp IV miền núi; nâng cấp một số tuyến đường lên đường tỉnh, xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất đặc biệt quan trọng, có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới mạng lưới giao thông của thành phố Kon Tum và các thị trấn huyện theo Quy hoạch chung đô thị được phê duyệt; duy tu bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống đường GTNT hiện có, xây dựng mới các tuyến đường GTNT đảm bảo tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt từ 60-70%, riêng các tuyến đường đến trung tâm các xã đạt 100%.
Đáp ứng được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn.
Chi tiết văn bản: tại đây