banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024
8-1-2024

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024

Nhằm cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế, ngày 05/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết 02).

Nghị quyết 02 đề ra mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp. 

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau:

Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đúng đầu. 

Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc. 

Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc. 

Quyền tài sản (IPRI)14 của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc. 

Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc.  

Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc. 

An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu. 

Một số mục tiêu cụ thể năm 2024

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. 

Về Năng lực Đổi mới sáng tạo của WIPO: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin18 lên ít nhất 3 bậc. Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc. Nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc. 

Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản trong xếp hạng Quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất 2 bậc. 

Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng Hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới lên ít nhất 0,2 điểm. 

Về Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới: Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất 5 bậc. Nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất 3 bậc. 

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời của các bộ, cơ quan được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số, các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. 

Các bộ, cơ quan được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm: Cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công. Chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo, theo dõi tình hình, kết quả cải thiện đối với các bộ chỉ số được phân công. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu thống kê công bố trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chỉ tiêu thống kê về kinh tế số. 

Chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm sau đây: (i) Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư. (ii) Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. (iii) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia. (iv) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. (v) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. (vi) Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. (vii) Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh./.

 

 

Thanh Thúy - ipckontum
Số lượt xem:406

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467716 Tổng số người truy cập: 43 Số người online:
TNC Phát triển: