banner
Thứ 5, ngày 7 tháng 11 năm 2024
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
6-5-2024

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 377/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Trên cơ sở quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã xác định  nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và phương hướng phát triển các ngành có lợi thể của vùng Tây Nguyên. 

Về các nhiệm vụ trọng tâm:

Thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối và kết nối phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; tăng cường thu hút nguồn lực từ bên ngoài, ưu tiên xúc tiến đầu tư và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng; thu hút các hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ nhất là trong các ngành lợi thế nông nghiệp, công nghiệp chế biến. 

Chuyển đổi cơ cấu, mô hình phát triển kinh tế vùng theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin, nhôm và công nghiệp chế biến gắn với phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; khuyến khích hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, hình thành chuỗi giá trị nông sản để tận dụng cơ hội xuất khẩu; tăng cường chất lượng, hiệu quả của các ngành dịch vụ. 

Có cơ chế chính sách khuyến khích đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước nâng chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia, nhất là các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch mức sống và thụ hưởng của người dân. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phát huy bản sắc, vốn sinh thái nhân văn của vùng Tây Nguyên. 

Phát triển kết cấu hạ tầng vùng từng bước đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên hoàn thành các công trình hạ tầng kết nối liên vùng, liên tỉnh. Tập trung xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ cấp vùng. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông và kinh tế số đảm bảo kết nối hiệu quả giữa các trung tâm tổng hợp, logistics, chuyên ngành của vùng với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các vùng lân cận. 

Phát triển vùng phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng an ninh và đối ngoại. Quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đi đầu trong bảo tồn, phục hồi làm giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng.  

Các đột phá phát triển

Đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thu hút nguồn lực đầu tư các tỉnh trong vùng; ưu tiên cải thiện tiếp cận đất đai; tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. 

Đột phá xây dựng và thực thi chính sách phát triển vùng: Tập trung nghiên cứu, xây dựng triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù về liên kết, điều phối phát triển vùng; bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các ngành lĩnh vực quan trọng: nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Khẩn trương triển khai các cơ chế chính sách đặc thù áp dụng đối với một số địa bàn trọng điểm như thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Khu du lịch quốc gia Măng Đen (tỉnh Kon Tum) và cơ chế chính sách hợp lý trong chia sẻ nguồn nước và lợi ích từ nguồn nước liên vùng. 

Đột phá về phát triển nguồn nhân lực: Tập trung đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch thông minh, công nghiệp chế biến công nghệ cao, kinh tế số, năng lượng tái tạo, logistics, tài chính - ngân hàng và dược phẩm. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số, giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp trong cơ cấu lao động xã hội nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. 

Đột phá về phát triển hạ tầng vùng: Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế; nghiên cứu đầu tư, mỡ mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc khi có đủ điều kiện; cải tạo tuyến đường tỉnh kết nối với khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ khi có đủ điều kiện. Tập trung hoàn thành xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, các cảng cạn, trung tâm logistic để thúc đẩy khả năng hấp dẫn và thu hút đầu tư trên địa bàn vùng. 

Phương hướng phát triển các ngành có lợi thế

Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng. Tập trung phát triển các cây trồng chủ lực: cây công nghiệp (như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, dâu, bông vải, mía), cây ăn quả (như sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít), cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, rau, hoa ôn đới gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Phát triển các vùng chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản tập trung; thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm). Hình thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp vùng và hành lang kinh tế; liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế rừng, khuyến khích trồng rừng sản xuất ở những nơi có điều kiện phù hợp về đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản; tiếp tục phát triển bền vững các vùng nguyên liệu đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến lâm sản và các loại lâm sản ngoài gỗ. Phát triển cây dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ carbon. 

Ngành công nghiệp: Ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, ché tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng. Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu, cụm liên kết ngành gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; liên kết hiệu quả với công nghiệp tiểu vùng Trung Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Trong đó: Phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin và nhôm ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu ổn định để phát triển sản xuất, có điều kiện xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tham gia vào chuỗi sản xuất của thị trường thế giới. 

Phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vùng.

 

Phát triển công nghiệp dệt may, da giầy tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai. Phát triển ngành sản xuất lụa tơ tằm, duy trì các cơ sở may, đan, thêu sử dụng nguồn nguyên liệu tại các làng nghề địa phương gắn với du lịch và sản xuất các sản phẩm thủ công xuất khẩu. 

Phát triển công nghiệp hóa chất, dược phẩm, trong đó tập trung sản xuất các sản phẩm từ cao su thiên nhiên, sản xuất nhiên liệu sinh học, sản xuất vật liệu composit. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hóa dược, chiết xuất dược liệu và chế biến thảo dược từ nguyên liệu thiên nhiên tập trung tại các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông.  

Ưu tiên phát triển sản xuất phân bón, phân vi sinh tập trung tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk. Thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp hóa chất, giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại, xây dựng lộ trình thay thế sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường trong khai thác khoáng sản. 

Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện áp mái) phù hợp với quy hoạch phát triển diện lực quốc gia; ưu tiên phát triển tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. 

Ngành dịch vụ: Phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ tương hỗ phát triển với các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tập trung phát triển thị trường cung ứng và tiêu thụ trong vùng và ngoài vùng theo các hành lang kết nối vùng và với cảng biển lớn ra các thị trường quốc tế. 

Phát triển thương mại hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với điều kiện đặc thù của thị trường khu vực đô thị, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở một số cửa khẩu quốc tế chính: Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), Đắk Peur (tỉnh Đắk Nông) tạo thuận lợi hóa thương mại tại các khu vực cửa khẩu, chợ biên giới với Lào và Campuchia. 

Phát triển dịch vụ logicstics gắn với các trung tâm, hành lang kinh tế kết nối các hoạt động thương mại trong nội vùng, liên vùng và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất gắn với các thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng các trung tâm thương mại, khu thương mại - dịch vụ, trung tâm hội chợ - triển lãm, trung tâm logistics tại các đô thị lớn, trung tâm vùng, tiểu vùng. 

Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, liên kết với các tỉnh vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, gắn với các hành lang kinh tế, liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ. 

Tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù theo các địa bàn trọng điểm, gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa cà phê và du lịch cộng đồng. Ưu tiên khai thác du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển các nhóm sản phẩm chính, sản phẩm du lịch đặc sắc riêng như du lịch tìm hiểu di sản văn hóa các dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái và địa chất núi lửa đặc trưng nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách./.

 

 

Công Dinh - ipc Kon Tum
Số lượt xem:155

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 171 Số người online:
TNC Phát triển: