Ngày 12/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022 ở Việt Nam.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2022 (Báo cáo PAPI 2022) phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 16.117 người dân từ 18 tuổi trở lên với đặc điểm nhân khẩu đa dạng được chọn ngẫu nhiên từ dân số Việt Nam. Trong số những người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 14.931 người có hộ khẩu thường trú ở toàn bộ 63 tỉnh/thành phố và 1.186 người có hộ khẩu tạm trú ở 12 tỉnh/thành phố có tỉ suất di cư thuần dương trên toàn quốc theo dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cung cấp hành chính công cấp tỉnh ở 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Báo cáo PAPI không xếp hạng các tỉnh, thành phố; thay vào đó, các tỉnh, thành phố được nhóm vào bốn phân khúc điểm (gọi là bốn nhóm tứ phân vị): Nhóm điểm cao; Nhóm điểm trung bình - cao; Nhóm điểm trung bình - thấp; Nhóm điểm thấp. Trong đó, mỗi nhóm có khoảng 25% tổng số tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Các tỉnh/thành phố trong nhóm tứ phân vị “cao” có 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; các tỉnh/thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm tứ phân vị “thấp” thuộc các vùng trung du và miền núi phía bắc, Tây Nguyên, và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo, điểm tổng hợp Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh Kon Tum là 39,98 điểm, tăng 0,09 điểm so với năm 2021 (39,89 điểm). Kết quả điểm chỉ số thành phần cụ thể: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở 4,75 điểm (năm 2021 là 4,49); Công khai minh bạch 4,66 điểm (năm 2021 là 4,75); Trách nhiệm giải trình với người dân 4,18 điểm (năm 2021 là 4,1); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6,2 điểm (năm 2021 là 6,18); Thủ tục hành chính công 6,89 điểm (năm 2021 là 6,85); Cung ứng dịch vụ công 7,44 điểm (năm 2021 là 7,56); Quản trị môi trường 3,25 điểm (năm 2021 là 3,31); Quản trị điện tử 2,61 điểm (năm 2021 là 2,65).
Mục tiêu chung của chương trình nghiên cứu PAPI là nhằm góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng./.