banner
Thứ 7, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hướng dẫn thống nhất cách hiểu đối với các vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện dự án ODA, vốn vay ưu đãi
23-4-2022

Hướng dẫn thống nhất cách hiểu đối với các vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện dự án ODA, vốn vay ưu đãi

CT

Ngày 21/4, Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2627/CV-TCT về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư về việc hướng dẫn thống nhất cách hiểu đối với các vấn đề còn vướng mắc do còn cách hiểu chưa thống nhất trong thực hiện dự án ODA, vốn vay ưu đãi

Theo hướng dẫn của Tổ công tác, các vấn đề còn vướng mắc do còn cách hiểu chưa thống nhất trong thực hiện dự án ODA, vốn vay ưu đãi, được hiểu như sau:

1. Thủ tục thanh toán mất nhiều thời gian (thủ tục kiểm soát chi, thời gian xem xét hồ sơ của Nhà tài trợ, đặc biệt về phát hành Thư không phản đối).

Trả lời:

Về thủ tục kiểm soát chi, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ đã quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm soát chi thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Về thời gian xem xét hồ sơ và ban hành Thư không phản đối của nhà tài trợ, tại cuộc họp ngày 30/9/2021 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì với đại diện 6 Ngân hàng phát triển (WB, ADB, JICA, KEXIM, AFD, KfW), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các ngân hàng đẩy nhanh công tác xem xét hồ sơ, sớm ban hành Thư không phản đối để chủ đầu tư có thể nhanh chóng triển khai chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống nhất về thủ tục thanh toán theo quy định pháp luật (thủ tục kiểm soát chi thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước).

2. Thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm (cắt giảm kế hoạch năm 2021).

Trả lời:

Về thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm, đề nghị các cơ quan nghiên cứu, thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư công, Điều 44, 45 và 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công.

Trong quá trình tổng hợp đề xuất kế hoạch vốn nước ngoài hằng năm, đề nghị các bộ ngành, địa phương rà soát số dự kiến kế hoạch vốn hằng năm sát với nhu cầu thực tế, gắn với tiến độ thực hiện dự án và khả năng giải ngân trong năm, giảm thiểu tình trạng cắt giảm phần lớn kế hoạch được giao do không thể giải ngân.

3. Thủ tục bổ sung vào kế hoạch trung hạn đối với các chương trình, dự ản mới được phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi kế hoạch trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trả lời:

Thủ tục bổ sung chương trình, dự án mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư vào Kế hoạch trung hạn đã được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước.

Đề nghị các cơ quan nghiên cứu, thực hiện theo các quy định đã hướng dẫn tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

4. Vướng mắc liên quan đến cho vay lại (điều kiện, tỷ lệ vay lại đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản đảm bảo)

Trả lời:

- Điều kiện cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đối với đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại điểm a khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý nợ công: phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay và trả nợ theo quy định pháp luật.

Quy định này dẫn đến phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập không thể tiếp cận nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiện nay do hầu hết các cơ sở này chỉ tự đảm bảo được phần chi thường xuyên, không đáp ứng điều kiện về đối tượng được cho vay lại.

- Trong quá trình thực hiện Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, đã phát sinh các vấn đề về tỷ lệ cho vay lại đối với một số đối tượng (không quy định tỷ lệ vay lại cho đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư) cũng như tài sản đảm bảo để vay lại (quy định trị giá tài sản đảm bảo tiền vay tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay lại, bên vay lại là đơn vị sự nghiệp công lập không đủ tài sản đảm bảo để vay lại).

Các vướng mắc này đã được xử lý tại khoản 1 và khoản 4 Điều 1 Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Theo đó:

+ Về tài sản đảm bảo khoản: 1 Điều 1 Nghị định số 79/2021/NĐ-CP quy định “trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 100% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập”;

+ Về tỷ lệ vay lại, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 79/2021/NĐ-CP quy định , “Trường hợp áp dụng tỷ lệ vay lại khác cho các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này... Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan, trình Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ cho vay lại đối với từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 10%”.

5. Vướng mắc về thẩm quyền quyết định đối với các dự án, phi dự án liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng sử dụng vốn ODA của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP trước đây và hiện nay là Nghị định số 114/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2021 thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP, các dự án, phi dự án liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài đểu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, nhiều dự án hỗ trợ cho Bộ Công an là hàng hóa thông dụng, giá trị thấp (máy bơm nước, quần áo phạm nhân, xe máy, máy ảnh,...) phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phi dự án theo yêu cầu của Nhà tài trợ.

Tuy nhiên, thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án và phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: Dự án kèm theo khung chính sách; dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo; mua sắm các loại hàng hóa thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

6. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong trường hợp chương trình, dự án có điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi tỷ giá.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 114/2001/NĐ-CP, trường hợp chương trình, dự án có điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi tỷ giá (bao gồm cả điều chỉnh tăng và giảm) và không dẫn đến thay đổi các nội dung còn lại của Quyết định chủ trương đầu tư thì không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

7, Về việc không sử dụng vốn vay để thực hiện các khoản chi về thuế, phí và các khoản chi thường xuyên.

Trả lời:

Nghị định số 56/2000/NĐ-CP quy định không sử dụng vốn vay để thực hiện các khoản chi về thuế, phí và các khoản chi thường xuyên, việc áp dụng khiến các dự án ODA gặp nhiều khó khăn. Bởi các dự án đang triển khai đều đã được duyệt trước khi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Việc điều chỉnh cơ cấu vốn, bố trí thêm nguồn vốn để trả cho các khoản chi về thuế, phí và các khoản chi thường xuyên gặp rất nhiều khó khăn.

Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 vừa được Chính phủ ban hành, thay thế Nghị định số 56/2000/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo đó, tại khoản 3 Điều 98 Nghị định số 114/2001/NĐ-CP quy định: “Đối với Điều ước quốc tế cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký, được tiếp tục thực hiện theo Điều ước quốc tế cụ thể đó. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này". Do vậy, đối với trường hợp các dự án đang triển khai đã được ký hiệp định trước khi Nghị định số 56 có hiệu lực sẽ được thực hiện theo Hiệp định, điều ước quốc tế đã được ký với nhà tài trợ (ví dụ như thanh toán các khoản thuế, phí,...).

8. Về đề xuất dự án: Đề nghị giảm bớt thủ tục (bước đề xuất dự án) tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 25 Luật Đầu tư công để thực hiện luôn bước đề xuất chủ trương đầu tư tương tự dự án đầu tư trong nước và như trước khi có Luật Đầu tư công.

Trả lời:

Theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 25 Luật Đầu tư công, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tổng hợp, đánh giá và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc sử dụng nguồn vốn từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài liên quan đến việc quản lý nợ công của quốc gia, sự phù hợp với kế hoạch trung hạn của Chính phủ... theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công. Do vậy bước đề xuất dự án là cần thiết để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá được các yếu tố cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi nước ngoài.

Bên cạnh đó, bước đề xuất dự án là bước quan trọng để làm cơ sở thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ nước ngoài tập trung lựa chọn các dự án hiệu quả phù hợp với quy hoạch ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và địa phương.

Do đó, đề nghị tuân thủ theo quy định của Nghị định số 114/2001/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

9. Về các hoạt động thực hiện trước: Để góp phần rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung quy định Luật Đấu thầu về các hoạt động thực hiện trước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Trả lời:

Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 (có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2022) sửa đổi, bổ sung 9 Luật, trong đó khoản 2 Điều 5 Luật này đã bổ sung Điều 33a vào sau Điều 33 Luật Đấu thầu để giải quyết vấn đề trên, cụ thể:

“Điều 33a. Các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi:

1. Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay tu đãi.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất thủ tục để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2001/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, thủ tục thực hiện trước một số hoạt động trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2022.

 

Diệu Linh - IpcKonTum
Số lượt xem:898

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 66 Số người online:
TNC Phát triển: