UBND thành phố Kon Tum sẽ tổ chức Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ II vào ngày 6-7/2 tại nhà Rông văn hoá làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum Tum,.
Theo đó tham gia Liên hoan có 39 nghệ nhân đến từ 7 xã: Vinh Quang, Đăk Rơ Wa, Đăk Năng, Ngọc Bay, Đăk Blà, Ia Chim, Hoà Bình và 3 phường: Thống Nhất, Thắng Lợi, Quang Trung, với 03 hoạt động: Tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; Tổ chức không gian thực hành dệt thổ cẩm; Trình diễn trang phục thổ cẩm.
Trong đó, đối với tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số thành phố Kon Tum: Giới thiệu, trưng bày các vật dụng, dụng cụ phục vụ cho quy trình hoạt động dệt thổ cẩm như khung dệt, dụng cụ tách bông, quay sợi, nhuộm màu... nhằm giới thiệu và quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại từng địa phương một cách sinh động và cụ thể.
Đối với tổ chức không gian thực hành dệt thổ cẩm: Các nghệ nhân trực tiếp thực hành dệt ra các sản phẩm thổ cẩm tại chỗ và thuyết trình về sản phẩm mình dệt; trả lời các nội dung yêu cầu của Hội đồng tư vấn chuyên môn của liên hoan về sản phẩm mà mình thực hiện (quy trình, loại hoa văn, ý nghĩa, cách phối màu...).
Trình diễn trang phục thổ cẩm: Mỗi đơn vị chọn từ 1 đến 2 nghệ nhân, tham gia phần trình diễn trang phục thổ cẩm tại liên hoan theo kịch bản tổng thể của Ban Tổ chức, để giới thiệu những nét đẹp cũng như các giá trị về trang phục thổ cẩm trong đời sống cộng đồng và xu thế hội nhập, kết hợp với thời trang đương đại trong giai đoạn hiện nay.
Liên hoan nhằm góp phần gìn giữ và phát huy, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống, nghề dệt truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Kon Tum; Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của thành phố Kon Tum.
Ngoài ra, Liên hoan còn tạo không gian để các nghệ nhân, các Tổ hợp tác dệt thổ cẩm được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời tạo cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp, các Tổ hợp tác dệt thổ cẩm giới thiệu những sản phẩm mới, kích hoạt, mở rộng thị trường tiêu thụ thương hiệu sản phẩm thổ cẩm của thành phố, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn./.