Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 27/6/2023 phê duyệt Đề án Dự án "Cải thiện cơ sơ hạ tầng môi trường đô thị, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu thành phố Kon Tum - Hợp phần Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum" sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Phần Lan.
Mục tiêu chung của dự án là nhằm cải thiện vệ sinh môi trường thành phố Kon Tum thông qua việc xây dựng công trình thoát và xử lý nước thải; Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hệ thống thoát nước giai đoạn 2023-2030; Đầu tư phát triển hệ thống thoát nước thải ổn định cho khu vực các phường trung tâm đô thị phía Bắc sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum giai đoạn 2023-2030.
Về mục tiêu cụ thể, giảm tối thiểu 90% lượng nước thải sinh của các phường trung tâm đô thị phía Bắc sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum (gồm: Quang Trung, Quyết Thắng, Thống Nhất, Thắng Lợi, Ngô Mây, Trường Chinh và Duy Tân); xử lý tập trung tại nhà máy xử lý nước thải; giảm thiểu lượng nước thải chưa xử lý vào nguồn nước tiếp nhận; nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn theo quy định trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Dự án gồm các hạng mục đầu tư: Xây dựng hệ thống cống tự chảy và hố ga thu gom nước thải với tổng chiều dài đường ống khoảng 85km trên địa bàn các phường phía Bắc sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum; Xây dựng 6 trạm bơm nước thải; Xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 14.000m3/ngày đêm.
Tổng mức đầu tư của dự án là 814.368 triệu đồng, tương đương khoảng 28,835 triệu Euro (Vốn ODA của Chính phủ Phần Lan là 19,905 triệu Euro, tương đương khoảng 562.159 triệu đồng; Vốn đối ứng 252.209 triệu đồng, tương đương khoảng 8,93 triệu Euro do tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm bố trí toàn bộ để thực hiện dự án).
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2024 - 2027); UBND tỉnh Kon Tum là cơ quan chủ quản Dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kon Tum tiếp thu đầy đủ ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong quá trình lập và thẩm định Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Dự án; rà soát kỹ các hạng mục đầu tư, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay và trình duyệt theo quy định hiện hành; Trao đổi với nhà tài trợ về các điều kiện, trình tự liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, đảm bảo tuân thủ các quy định trong nước trước khi đề xuất đàm phán Hiệp định vay...