Chương trình hành động triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; Công nhận 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3, 4 sao; Triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Công bố 39 văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ; Năm 2023, xác minh tài sản, thu nhập một số đối tượng tại 10 cơ quan, đơn vị; Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 30/01 - 03/02/2023.
Chương trình hành động triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2023
Tại Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 30/01/2023, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KTXH; Dự toán NSNN và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 với phương châm hành động: “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình: Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình MTQG; phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên với cơ cấu hợp lý. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.
Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tăng cường trách nhiệm của các thành viên UBND tỉnh và Thủ trưởng đơn vị liên quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính về việc tham mưu để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường - QPAN năm 2023; Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Tiếp tục đẩy mạnh CCHC gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển KT với VHXH; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm QPAN, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh thông tin, truyền thông; năng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội....
Công nhận 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3, 4 sao
Theo Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ ba đến bốn sao năm 2022 (đợt 2), UBND tỉnh công nhận 03 sản phẩm của 02 chủ thể đạt 4 sao và 47 sản phẩm của 20 chủ thể đạt ba sao.
Các sản phẩm đạt thứ hạng sao trên được cấp Giấy chứng nhận và được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP đạt sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định. Kết quả công nhận và Giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định công nhận.
Triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia
Tại Công văn số 223/UBND-NNTN ngày 30/01/2023, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.
Thường xuyên tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với Chương trình MTQG xây dựng NTM; chủ động bố trí nguồn lực để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về phòng chống thiên tai thuộc thẩm quyền của địa phương, đơn vị theo quy định về phòng chống thiên tai và ngân sách nhà nước.
Căn cứ điều kiện thực tế địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chương trình, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.
Công bố 39 văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ
Tại Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 30/01/2023, Chủ tịch UBND tỉnh công bố Danh mục văn bản QPPL do HĐND tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2022.
Theo Danh mục, có 08 văn bản hết hiệu lực một phần (trong đó có 01 văn hết hiệu lực một phần thuộc đối tượng của các kỳ công bố trước nhưng chưa được công bố); 39 văn bản hết hiệu lực toàn bộ (trong đó có 13 văn hết hiệu lực toàn bộ thuộc đối tượng của các kỳ công bố trước nhưng chưa được công bố).
Chủ tịch UBND tỉnh giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2022 do HĐND, UBND tỉnh ban hành để tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (nếu có).
Năm 2023, xác minh tài sản, thu nhập một số đối tượng tại 10 cơ quan, đơn vị
Tại Quyết định số 50/QĐ-UBND ngày 31/01/2023, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nội dung Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 của Thanh tra tỉnh, cụ thể:
Tiến hành xác minh tại 10 cơ quan, đơn vị: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Quỹ Đầu tư và Phát triển, Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi, UBND thành phố Kon Tum, UBND huyện Kon Plông, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi.
Các cá nhân được xác minh tài sản, thu nhập là người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh; Tỷ lệ người được xác minh tại mỗi đơn vị theo quy định tối thiểu là 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm của đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh.
Thời gian triển khai bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên cá nhân được xác minh tại các cơ quan, đơn vị được chọn xác minh trong vòng 10 ngày kể từ ngày Chánh Thanh tra tỉnh ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023; Thời gian thực hiện xác minh từ Quý II/2023.
Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023
Tại Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 31/01/2023, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 với mục tiêu: Đẩy mạnh THTK, CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống KTXH; tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để nâng cao hiệu quả THTK, CLP nhằm huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí; Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở THTK, CLP; thực hiện công khai trong THTK, CLP, đặc biệt là công khai các hành vi lãng phí vàkết quả xử lý hành vi lãng phí; Thực hiện nghiêm túc việc công khai các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP trong năm 2023; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và việc thực hiện Chương trình THTK, CLP trong phạm vi quản lý.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm
Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; tại Công văn số 275/UBND-NNTN ngày 02/02/2023, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở, dây truyền giết mổ động vật theo hướng hiện đại; có chính sách nâng cấp các cơ sở giết mổ được sắp xếp trong mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung.
Tổ chức triển khai xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tại địa phương, bảo đảm có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm môi trường và an toàn thực phẩm.