banner
Thứ 3, ngày 17 tháng 9 năm 2024
Những kết quả đạt được kế hoạch đầu tư công năm 2022
5-4-2023

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 01/2023, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021 

Năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước. Đặc biệt, cuộc xung đột quân sự tại Nga – Ucraina, tình hình dịch bệnh phức tạp tại một số quốc gia; lạm phát toàn cầu tăng cao, cùng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi xuất kéo dài và tỷ giá biến động mạnh tại nhiều quốc gia, khu vực đã tác động mạnh, trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình trong trước cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, nhất là giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nói chung và hoạt động đầu tư xây dựng nói riêng; bên cạnh đó áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là rất lớn do kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tăng 26% (tăng khoảng 120 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021 và đây là năm đầu triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các đơn vị trực tiếp sử dụng vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả phân bổ và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 554.419,165 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 95,6% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 95,2% kế hoạch). Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 25.627,669 tỷ đồng (bằng 4,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).

 

Tổng số nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn NSTW được triển khai thực hiện trong năm 2022 là khoảng 2.791 nhiệm vụ, dự án (vốn trong nước khoảng 2.487 nhiệm vụ, dự án, vốn nước ngoài khoảng 304 dự án), trong đó: 1.816 dự án chuyển tiếp (vốn trong nước: 1.535 dự án, vốn nước ngoài: 281 dự án) và 646 dự án khởi công mới (vốn trong nước: 625 dự án, vốn nước ngoài: 21 dự án); mức vốn bố trí trung bình cho một dự án sử dụng vốn trong nước là 85,319 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 108,683 tỷ đồng.

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 01/2023, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021, trong đó 08 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Về công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt, cụ thể, giải pháp được ban hành kịp thời, hiệu quả

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, theo đó, xác định nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết với 03 Nghị quyết chuyên đề, 04 công điện, 07 văn bản; tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; duy trì hoạt động của 06 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng thành lập các Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 do Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật, sớm khởi công dự án; chủ động rà soát điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Nhờ đó, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được xử lý kịp thời, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có sự chuyển biến rõ rệt, tháng sau cao hơn tháng trước và tăng tốc vào những tháng cuối năm.

Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công.

Trình tự, thủ tục quản lý đầu tư công được tiếp tục đơn giản hóa gắn liền với việc đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm giám sát chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực.

Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 09 Luật, trong đó đối với Luật Đầu tư công đã quy định phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn vay ODA và ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó đã cho phép tỉnh Khánh Hòa được thực hiện thí điểm cơ chế tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công quy mô nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện tổng kết, đánh giá và ban hành cơ chế chung áp dụng trong phạm vi cả nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư công, từ khâu hình thành dự án đến kết thúc, bàn giao đưa vào sử dụng. Qua đó đã phát hiện và đề xuất sửa đổi 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các Nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 07 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công. 

Đã báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia thực hiện trong kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, gồm: Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành các Nghị quyết phân công các đơn vị tham gia thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Về cơ bản, thủ tục đầu tư các dự án đã hoàn thành, một số dự án thành phần đã triển khai thi công. 

Đồng thời, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư trung hạn và năm 2022 để triển khai thực hiện. 

Vốn NSNN năm 2022 được bố trí bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới. Đến nay, đã đưa vào sử dụng một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm, khởi công xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Phan Thiết… 

Kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công từng bước được tăng cường, hằng tháng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước đều tổ chức đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và người đứng đầu, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai kế hoạch được tốt hơn./.

 

Thanh Huyền-IpcKonTum
Số lượt xem:679

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 100 Số người online:
TNC Phát triển: