Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Kon Tum đã có nhiều thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, tiêu biểu là các sản phẩm đặc trưng (OCOP). Bắt đầu triển khai từ năm 2018, đến nay toàn tỉnh đã có 148 sản phẩm được công nhận từ 03 sao trở lên.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu là dược liệu (tiêu biểu là Sâm Ngọc Linh và đảng sâm), cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác như măng le, gạo đỏ, chuối rừng...
Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là cơ hội để tập trung phát triển một số sản phẩm thế mạnh của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; đây là chương trình quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Với sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương, đến nay toàn tỉnh đã có 148 sản phẩm OCOP được công nhận từ 03 sao trở lên; trong đó có 01 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao cấp Quốc gia; 20 sản phẩm đạt 04 sao (trong đó 06 sản phẩm có tiềm năng 5 sao) và 127 sản phẩm đạt 3 sao của 77 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thành lập bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã; giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, chủ thể sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện theo chu trình OCOP.
Việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP đã có tác động tích cực đến các chủ thể sản xuất như hoàn thiện về tổ chức và năng lực sản xuất, các hình thức liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng được nhân rộng; chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; sản lượng, giá bán của sản phẩm đã được nâng lên góp phần nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; việc xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được các chủ thể sản xuất quan tâm; các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường chưa cao...
Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP, khoảng 200 chủ thể tham gia (gồm 300 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 40 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí và 10 sản phẩm du lịch), các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 05 sao. Sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt tại thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường các hoạt động kết nối thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, tạo ra nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, tăng thu ngân sách tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện như tăng cường công tác tuyên truyền; kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình các cấp; xây dựng hệ thống hỗ trợ Chương trình OCOP và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển.
Cụ thể, đối với công tác tuyên truyền, xác định đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong việc tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng về nội dung Chương trình OCOP tỉnh, Chu trình OCOP, những thành tựu và kết quả thực hiện Chương trình OCOP trên cả nước; những gương điển hình tiên tiến và mô hình sản xuất tiêu biểu trong tổ chức sản xuất, phát triển thị trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện để cộng đồng kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai Chương trình OCOP tỉnh Kon Tum. Việc thông tin, tuyền truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến cấp xã, thôn; trang web của Chương trình OCOP tỉnh Kon Tum, dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể.
Ngoài ra, kiện toàn Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình các cấp bằng việc thành lập và kiện toàn hệ thống bộ máy chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP theo 3 cấp tỉnh - huyện - xã; bộ máy giúp việc cần phải được bố trí cán bộ chuyên trách, thống nhất. Xây dựng hệ thống hỗ trợ Chương trình OCOP: Xây dựng đội ngũ tư vấn OCOP, hệ thống đối tác OCOP và hệ thống sản xuất, phát triển sản phẩm. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển như: Chính sách hỗ trợ tín dụng; Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ; Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm; Chính sách đào tạo nhân lực; Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại…
Xác định thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là một trong các giải pháp thực hiện phát triển sản phẩm đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hoá, từ đó tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, kết quả thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian vừa qua có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống đạt tiêu chuẩn có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.