Chấn chỉnh công tác báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn và rà soát tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi
Ngày 17/02/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 1133/BNN-TY gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh công tác báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn và rà soát tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi
Theo đó, trong thời gian vừa qua, đặt biệt giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tại nhiều địa phương khi dịch bệnh động vật xảy ra thông tin dịch bệnh trên đàn vật nuôi không được báo cáo, cập nhật kịp thời từ cơ sở, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật (VAHIS) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) cũng như không báo cáo bằng văn bản lên cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp trên gây khó khăn cho chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh thời gian qua là do: (i) Tỷ lệ tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi còn thấp; (ii) Thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của đàn vật nuôi; (iii) Nhiều địa phương chưa phê duyệt, bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh, chưa có kinh phí mua vắc xin, tổ chức tiêm phòng; (iv) Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc phê duyệt đấu thầu mua vắc xin, mua vắc xin phân tán (các huyện có kế hoạch mua, tiêm vắc xin tại các thời điểm khác nhau, không bảo đảm yêu cầu chủ động phòng dịch). Trong khi đó, kết quả giám sát chủ động cho thấy nhiều loại mầm bệnh nêu trên đang còn lưu hành rộng rãi, tỷ lệ lưu hành cao.
Nhằm khắc phục ngay những tồn tại nêu trên, để chủ động kiểm soát có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương thực hiện các nội dung sau, trong đó chú trọng:
Tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh của địa phương; trên cơ sở đó, khẩn trương phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí mua vắc xin tập trung cấp tỉnh để cấp phát cho các huyện, xã và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm cho đàn vật nuôi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (tại các Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 06/12/2023, Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024, Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024, Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024, Chỉ thị 8974/CT-BNN-TY ngày 26/11/2024).
Căn cứ tình hình lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo sử dụng vắc xin, các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1/2025, rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin.
Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng và thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh động vật đến cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên cũng như qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành (một số địa phương có báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh mà không báo cáo chuyên môn đến Chi cục Thú y vùng, Cục Thú y).
Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tiêm vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng của địa phương, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng./.