banner
Thứ 4, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024
18-4-2024

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024

Ngày 18/4/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 170/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các Cơ quan đại diện Việt Nam nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024 

Theo đó, ngày 02/4/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo và ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: 

Cơ bản đồng ý nội dung báo cáo của Bộ Ngoại giao và các ý kiến tham luận tại Hội nghị; đánh giá cao công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian qua đã được các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt được những kết quả quan trọng, mở ra các cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp ngày càng hiệu quả, thực chất vào các thành tựu chung của đất nước. 

Thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả đạt được; tranh thủ hiệu quả các cơ hội, yếu tố thuận lợi; hành động quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong triển khai thực hiện, cần đặc biệt lưu ý và nhấn mạnh tinh thần 03 cùng: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phương châm 03 phát huy: (1) Phát huy mạnh mẽ thế và lực của đất nước để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài; đặt lợi ích quốc gia - dân tộc trên hết, bám sát yêu cầu của địa phương, doanh nghiệp, người dân; bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro với các đối tác quốc tế. (2) Phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, quốc phòng - an ninh, giao lưu nhân dân; thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương. (3) Phát huy sự năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp; tận dụng hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất; chủ động, kịp thời, nhạy bén trong nghiên cứu, tham mưu, phục vụ thiết thực cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật. 

Công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 phải thực sự tạo đột phá với tinh thần “Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động” để nắm bắt cơ hội, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đưa ra các giải pháp đột phá, các biện pháp triển khai quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm; trong đó bám sát những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) Chuẩn bị kỹ, tổ chức tốt các chương trình đối ngoại cấp cao và các cấp, trong đó đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; chủ động xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch cụ thể, xác định rõ kết quả của các chuyến thăm; đồng thời tập trung triển khai quyết liệt, cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết đạt được sau các chuyến thăm cấp cao. (ii) Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư); đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như công nghiệp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo (AI)…). (iii) Khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, các khuôn khổ quan hệ hợp tác đã được nâng tầm, nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn để duy trì quan hệ thuận lợi với các đối tác. (iv) Huy động hiệu quả nguồn lực của gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp ngày càng tích cực, chủ động trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. 

Các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể sau: 

Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào đẩy mạnh công tác quán triệt, thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW. 

Tiếp tục củng cố, phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư với các đối tác, thị trường xuất khẩu lớn, chủ chốt; đa dạng hóa và mở rộng các thị trường mới, tiềm năng như UAE, Trung Đông, thị trường Halal... Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các đối tác đẩy nhanh các thủ tục để triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE); thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Khối thị trường chung Nam Mỹ… 

Tạo đột phá trong thu hút các nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng và lĩnh vực mới như bán dẫn, năng lượng sạch, AI... Đẩy mạnh thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam. Tích cực chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị, đồng hành, cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, xã hội ổn định, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam. 

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hiệu quả Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 trong tháng 8 năm 2024. 

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, đặc biệt là kịp thời nắm bắt xu thế chung, xu hướng trên các lĩnh vực, nhu cầu của các đối tác nước ngoài để kịp thời thông báo kế hoạch sản xuất kinh doanh với trong nước và kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Xác định rõ, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của các đối tác trong hợp tác kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế. 

Các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ khẩn trương hoàn thành trong tháng 4 năm 2024; gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc theo quy định. 

Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai, cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận với các đối tác quốc tế; thường xuyên rà soát, đôn đốc, định kỳ cập nhật tình hình thực hiện; kịp thời xác định các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị biện pháp tháo gỡ, cấp có thẩm quyền giải quyết, gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.

 

 

Thị Hạnh - Ipckontum
Số lượt xem:163

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 145 Số người online:
TNC Phát triển: