banner
Thứ 5, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị đánh giá kết quả CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2024
16-8-2024

Tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị đánh giá kết quả CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2024

Chiều ngày 16/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt dự, chỉ đạo hội nghị; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh đồng chủ trì hội nghị. 

Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp; đại diện lãnh đạo VCCI, Chi nhánh tại Đà Nẵng; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các đơn vị ngành dọc đứng chân trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan; Bí thư các huyện ủy, thành ủy và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh... 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức để thảo luận, đánh giá, nhìn nhận một cách thẳng thắn về những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong thời gian qua; từ đó, đưa ra các định hướng mục tiêu và đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục CCHC, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới... 

Theo báo cáo tại hội nghị, Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh đạt 65,60 điểm, so với năm 2022, tăng 0,71 điểm nhưng giảm 9 bậc (46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Chỉ số PARINDEX năm 2023 đạt 86,14 điểm, so với năm 2022, tăng 12 bậc và xếp hạng 43/63 tỉnh/thành; Chỉ số SIPAS năm 2023 tăng 07 bậc, xếp thứ 35/63 tỉnh/thành; Chỉ số PAPI năm 2023 giảm điểm so với năm 2022, thuộc nhóm 16 địa phương có điểm “Thấp”. 

Về Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Kon Tum năm 2023, đối với nhóm sở, ban, ngành có điểm trung vị là 66,07 điểm, cao hơn điểm trung vị so với năm 2022; 03 đơn vị có điểm tổng hợp DDCI cao trong nhóm sở, ngành là Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. 

Trong khi đó, điểm trung vị DDCI năm 2023 của nhóm cấp huyện là 59,52 điểm, so với năm 2022, nhóm cấp huyện thấp hơn. Các đơn vị nhận được nhiều sự đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp trong nhóm cấp huyện là các huyện: Sa Thầy, Ngọc Hồi và Ia H’Drai. 

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung tham luận, thảo luận đánh giá kết quả; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến từng chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); kết quả rà soát, đánh giá và trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến từng chỉ số thành phần của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của tỉnh Kon Tum; đánh giá kết quả thực hiện Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) năm 2023.... 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh và các cấp, các ngành, nhất là Thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị xác định việc khắc phục những hạn chế trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là nội dung quan trọng hàng đầu, cấp thiết để tạo động lực cho phát triển KTXH của tỉnh. 

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 16/5/2022 của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao tính năng động, tiên phong, quyết tâm của người đứng đầu; tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CBCC trong thực thi công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh. 

Đồng chính nhấn mạnh, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với quyết tâm: Năm 2024, phải phấn đấu Chỉ số PCI đứng thứ hạng từ 30-35 trên 63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAPI thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đây là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và sự năng động của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh; Kết quả thực hiện các chỉ số là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý năm 2024 và các năm tiếp theo... 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm vừa qua; đồng thời, khẳng định VCCI và VCCI chi nhánh tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh trong việc đánh giá Chỉ số DDCI các Sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh; phối hợp trong việc triển khai Nghị quyết số 41 NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Để đảm bảo QPAN, phát triển KT và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, theo Phó Chủ tịch VCCI, tỉnh phải xác định thời gian tới cần có những đột phá, đẩy mạnh cải cải cách TTHC, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển KT; chuyển đổi xanh, xanh hóa nền KT, tạo môi trường pháp lý xanh, xanh hóa lĩnh vực du lịch, nông nghiệp xanh,... 

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, cần chủ động, tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như: Người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm, tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy và chỉ đạo UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. 

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC; rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. 

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ để kịp thời tiếp nhận, xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục đất đai, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn đầu tư công để dẫn dắt, huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. 

Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH của tỉnh Kon Tum trong thời gian tới./.

 

 

Công Dinh - ipc Kon Tum
Số lượt xem:35

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 47 Số người online:
TNC Phát triển: