Nội dung báo cáo đánh giá công tác Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thời kỳ đến năm 2020. Kết quả tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch theo quy định hiện hành; báo cáo Quá trình triển khai quy hoạch sau khi được phê duyệt và Những kết quả triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
Những kết quả đạt được: Giai đoạn 2011-2016, tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực đưa công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu đi vào nề nếp, góp phần tích cực cho quá trình phát triển chung của tỉnh. Công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch được các sở, ban, ngành quan tâm thực hiện. Trong quá trình lập quy hoạch, các cơ quan đơn vị được giao thực hiện đều tuân thủ các quy định về công tác quy hoạch từ khâu lập nhiệm vụ quy hoạch, điều tra, khảo sát, lập đề án quy hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương nơi lập quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân địa phương và các ngành, các cấp có liên quan để tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch nhìn chung đều đề cao tính thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kết cấu hạ tầng; gắn phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững với đảm bảo quốc phòng - an ninh, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cơ bản bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, các quy hoạch cơ bản đảm bảo về chất lượng; đáp ứng tốt yêu cầu quản lý; đã phát huy tác dụng tốt trong việc định hướng, giúp phân bổ nguồn lực hợp lý cho sự phát triền kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương lân cận trong công tác xây dựng và quản lý các quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất và tránh được chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch trên địa bàn.
Bên cạnh đó trong báo cáo còn còn nêu lên những hạn chế về việc kết hợp trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đầu tư và quản lý sử dụng đất đai có nơi, có thời điểm chưa đồng bộ; chất lượng các quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai.
- Công tác lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch chưa kịp thời, thậm chí còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của các địa phương; một số quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt sau thời gian ngắn thực hiện không còn phù hợp với điều điện thực tế và quy định hiện hành nên phải tiến hành điều chỉnh, có trường hợp điều chỉnh nhiều lần.
- Công tác thẩm định dự toán kinh phí quy hoạch còn gặp khó khăn trong khâu xác định khối lượng công việc đơn vị Tư vấn kế thừa và khối lượng thực hiện mới do mang tính chuyên ngành đặc thù.
- Việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tốn nhiều thời gian do phải trình các Bộ, ngành Trung ương có ý kiến hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh mới được thực hiện.
Nguyên nhân do nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch trên địa bàn vẫn còn hạn chế, khả năng cân đối vốn Ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi việc xã hội hóa công tác quy hoạch gặp khó khăn.
- Một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng khoán trắng công việc cho đơn vị tư vấn mà chưa chỉ đạo sát sao trong quá trình triển khai thực hiện. Một số Quy hoạch chưa sát với thực tế, do khâu điều tra, khảo sát chưa kỹ; năng lực dự báo còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quy hoạch phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác nên việc thực hiện và quản lý còn chưa hiệu quả.
Đồng thời báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất kiến nghị: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, phối hợp Bộ Tài chính bổ sung, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này.
- Đề nghị các Bộ, ngành trung ương phối hợp để nghiên cứu rút ngắn thời gian cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thống nhất về đơn giá, định mức và hướng dẫn cụ thể về dự toán công tác lập quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất giữa các loại quy hoạch (một số loại quy hoạch có đơn giá lập quy hoạch rất cao, như quy hoạch điện lực, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; trong lúc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần đầu tư nhiều thời gian, công sức để đảm bảo kết nối, tính thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch và làm cơ sở cho các quy hoạch khác, nhưng định mức chi phí thấp hơn nhiều so với các loại quy hoạch trên).
- Có cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội, chú trọng đổi mới cơ chế chính sách trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch để các thành phần kinh tế trong xã hội và nhân dân tham gia vào công tác quy hoạch, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Đặc biệt, chú trọng đến các công trình hạ tầng về thoát nước, xử lý nước thải, giao thông, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, các trường học, các trung tâm hoạt động văn hóa, thể dục thể thao,..
- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, điều chỉnh hoặc trình Thủ tướng Chỉnh phủ điều chỉnh quy hoạch để địa phương có cơ sở thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có liên quan trên địa bàn tỉnh.