Tỉnh Kon Tum sử dụng hiệu quả đất đô thị
Như bất cứ địa phương nào khác, đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn lực không thể thiếu trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng then chốt ở tỉnh ta.
Theo Sở Xây dựng, mạng lưới đô thị tỉnh ta đã và đang trong xu thế phát triển rất nhanh về quy mô đất đai và dân số.
Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng, gắn với xây dựng các khu đô thị mới. Đô thị trung tâm- thành phố Kon Tum- ngày càng khang trang, hiện đại, với nhiều dự án quy mô, có tác động mạnh mẽ tới tốc độ đô thị hóa, được triển khai, như Tổ hợp trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại (vốn đầu tư 298,65 tỷ đồng), Khu đô thị Nam cầu Đăk Bla, Khu chung cư Hoàng Thành, Tổ hợp khách sạn trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum (vốn đầu tư 1.332 tỷ đồng).
Tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 10/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển nhiều đô thị, dự án như phát triển thị trấn Măng Đen huyện Kon Plông hướng đến du lịch nghỉ dưỡng; xây dựng hạ tầng thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) đạt tiêu chí đô thị loại IV; xây dựng khu hành chính huyện Ia H`Drai; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, cụm xã được mở rộng, nâng cấp ngày càng đồng bộ.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng với gia tăng dân số ở đô thị đang tạo sức ép lên quỹ đất đô thị, vốn khá hạn hẹp.
Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, dân số trung bình toàn tỉnh năm 2023 là 591.266 người; mật độ dân số trung bình khoảng 63 người/km2, dân cư phân bố không đều chủ yếu tập trung ở vùng thành phố và các thị trấn. Trong đó, mật độ dân số cao nhất là thành phố Kon Tum với khoảng 393,51 người/km2, thấp nhất là huyện Ia H’Drai với khoảng 12,26 người/km2.
Thực tế cho thấy, trong các yếu tố hình thành và phát triển đô thị thì đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng. Mọi hoạt động kinh tế xã hội của đô thị trong xu thế phát triển đều có nhu cầu sử dụng nhiều đất, nên tình trạng khan hiếm đất đô thị càng rõ ràng hơn.
Báo cáo số 73/BC-UBND ngày 18/3/2024 của UBND tỉnh về kết quả thống kê diện tích đất đai tỉnh Kon Tum năm 2023, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 967.729,83ha, chia làm 3 nhóm đất chính, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng.
Trong đó, nhóm đất nông nghiệp 901.735,86ha, chiếm 93,18%; nhóm đất phi nông nghiệp 57.050,87ha, chiếm 5,9%; nhóm đất chưa sử dụng 8.943,1ha, chiếm 0,92%.
Như vậy, diện tích đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng chiếm một diện tích rất nhỏ so với tổng diện tích tự nhiên. Từ đó, quỹ đất phục vụ phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng kỹ thuật gần như chủ yếu bổ sung từ đất nông nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, những năm gần đây, nhu cầu đất cho phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng tăng, tạo áp lực lớn trong chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp.
Đơn cử năm 2023, nhóm đất phi nông nghiệp tăng 261,72ha, trong đó, riêng đất ở tại đô thị tăng 0,57ha, chủ yếu chuyển từ đất trồng cây hàng năm khác (2,58ha); đất trồng cây lâu năm (1,54ha).
Bên cạnh đó, những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, như lũ lụt, hạn hán hàng năm diễn ra ngày càng phức tạp, cũng đặt ra bài toán về quỹ đất xây dựng các công trình phòng, ngừa, khắc phục thiên tai ở đô thị.
Rõ ràng là, sự gia tăng dân số đô thị, gia tăng đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ làm cho hoạt động đô thị luôn sôi động và không ngừng phát triển. Và đô thị luôn phải đối mặt với những yếu tố phát triển mới, nhu cầu mới làm gia tăng về nhu cầu đất đai.
Với vai trò vừa là nguồn lực vừa là tư liệu sản xuất, đất đô thị có tác dụng tạo hiệu ứng lan tỏa về môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế xã hội và cơ cấu sử dụng đất trong chính đô thị nói riêng và vùng lân cận nói chung.
Vì vậy, vấn đề quy hoạch đất đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như bố trí sử dụng đất hợp lý, khoa học, hiệu quả và tiết kiệm đang càng trở nên cấp bách.
Trong đó, khâu quy hoạch sử dụng đất cần được triển khai sát, đúng, tạo ra khả năng sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, nhất là đối với kết cấu hạ tầng then chốt tạo ra động lực và sức hút đầu tư, tăng giá trị sử dụng đất, tính lan tỏa và ngoại ứng tích cực
Thúc đẩy cải cách hành chính trong thủ tục đất đai nhằm tạo cơ chế minh bạch, nhanh gọn và hạn chế tối đa những phát sinh tiêu cực do thủ tục hành chính đất đai tạo ra. Áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, thông suốt và hiệu quả.
Bên cạnh đó, đất đô thị không chỉ là tài nguyên, mà đã là tài sản có giá trị trong quyền sử dụng đất. Đô thị phát triển không chỉ đem lại động lực quan trọng để sử dụng tiết kiệm đất đô thị, còn là cách khai thác tốt nhất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện có, làm tăng giá trị sử dụng đất.
Vấn đề đặt ra là, để sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa, cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề từ cơ chế chính sách đến thực thi pháp luật, quy hoạch, cải cách hành chính.
Lưu ý thực hiện các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để xác lập và thông tin về diện tích, loại hình sử dụng đất, phân bổ đất đai, giá cả, chủ sử dụng công khai trên thị trường, đảm bảo tính thống nhất và thông suốt trong quản lý. Thực hiện giám sát sử dụng đất đô thị theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đặc biệt, mỗi địa phương, mỗi đô thị có đặc điểm riêng, vì vậy, cần vận dụng sáng tạo và phù hợp vào thực tế, trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật.