banner
Thứ 7, ngày 30 tháng 11 năm 2024
Tình hình vận động, quản lý và sử dụng ODA và vay ưu đãi năm 2022
6-4-2023

Ngày 06/4, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2314/VPCP-QHQT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình vận động, quản lý và sử dụng ODA và vay ưu đãi năm 2022

Theo đó, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1324/BKHĐT-KTĐN ngày 28 tháng 02 năm 2023 về tình hình vận động, quản lý và sử dụng ODA và vay ưu đãi năm 2022, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

Về thể chế, chính sách: (i) Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng định mức lương chuyên gia tư vấn quốc tế áp dụng cho các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: số 2907/VPCP-QHQT ngày 15 tháng 12 năm 2016, số 2215/VPCP-QHQT ngày 17 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. (ii) Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác lập dự toán và thẩm định giá thiết bị; xây dựng định mức thẩm định giá thiết bị đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án có yêu cầu về thẩm định giá thiết bị. (iii) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu khả năng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với quản lý chương trình, dự án ODA viện trợ không hoàn lại của các Tổ chức Liên hợp quốc cho Việt Nam nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phê duyệt, tiếp nhận và thực hiện chương trình, dự án. 

Về công tác kế hoạch vốn: Thủ trưởng các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đó: Rà soát tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có chủ trương đầu tư, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 nếu có nhu cầu. Thực hiện tốt việc lập, thẩm định và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Các dự án được lập kế hoạch phải đảm bảo sát với tình hình thực hiện và giải ngân thực tế của dự án, tránh tình trạng trả lại vốn kế hoạch đã giao. 

Về xử lý các vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi: (i) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết hiệp định, gia hạn hiệp định, thỏa thuận vay, ký hợp đồng vay lại các chương trình, dự án ODA, vay ưu đãi. (ii) Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và nhà tài trợ đẩy nhanh tiến độ cấp ý kiến pháp lý cho các dự án theo quy định. (iii) Các Bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, duy trì các buổi làm việc thường xuyên với phía nhà tài trợ rà soát, giảm các thủ tục phê duyệt không cần thiết, đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến “không phản đối”. (iv) Các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho dự án đúng tiến độ; bố trí đủ vốn đối ứng, đẩy nhanh hoàn thành thủ tục để ký, trao hợp đồng cho các gói thầu. (v) Các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài được giao. Gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về kết quả giải ngân chương trình, dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài thuộc thẩm quyền quản lý. (vi) Các Bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và nhà tài trợ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị các Bộ, ngành và địa phương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý các vướng mắc. 

Về tăng cường kiểm soát chi và tin học hóa giải ngân: Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục như triển khai kiểm soát chi và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn góp phần thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi. 

Về chế độ báo cáo: Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chế độ báo cáo thống kê ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê./.

 

Thế Đắc - Ipckontum
Số lượt xem:801

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 30 Số người online:
TNC Phát triển: