Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 09- 15/9/2024
Điều chỉnh Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025; Tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024; Thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh; Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Xử lý sạt lở bờ sông Đăk Bla; Tiếp tục thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; Phê duyệt bổ sung đề tài KHCN cấp tỉnh thực hiện trong năm 2025; Quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và giải quyết những vụ việc tập trung đông người, phức tạp; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu trong xử lý công việc; Chỉ đạo rà soát, kiểm tra thông tin phản ánh liên quan đến cây Sâm Ngọc Linh; Chỉ đạo tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 bảo đảm an toàn, tiết kiệm... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 09 - 15/9/2024.
Điều chỉnh Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025
Tại Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 09/9, UBND tỉnh phê duyệt Đề án (điều chỉnh) Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể:
Tổng số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện Ia H’Drai, Kon Plông và Tu Mơ Rông thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở là 930 hộ (871 hộ nghèo, 69 hộ cận nghèo); trong đó, xây dựng mới nhà cho 655 hộ, sửa chữa nhà cho 275 hộ. Tổng số vốn cần để thực hiện là 34.870 triệu đồng (xây dựng mới nhà 28.820 triệu đồng và sửa chữa nhà 6.050 triệu đồng).
Về tiến độ thực hiện, đến tháng 12/2025, hoàn thành việc hỗ trợ: Năm 2023, đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 528 hộ (xây dựng mới nhà cho 359 hộ và sửa chữa nhà cho 169 hộ); Năm 2024, thực hiện hỗ trợ nhà cho 177 hộ (xây dựng mới nhà cho 127 hộ, sửa chữa nhà cho 50 hộ); Năm 2025, thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 225 hộ (xây dựng mới nhà cho 169 hộ, sửa chữa nhà cho 56 hộ).
Tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024
Để tiếp tục tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đã đề ra, tại Công văn số 3166/UBND-NNTN ngày 09/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại Chỉ thị tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024; và Thủ trưởng đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về mức độ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đã được giao và là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cá nhân Thủ trưởng đơn vị, địa phương.
Đối với các xã mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024, trên cơ sở danh sách các xã đã được UBND tỉnh giao, các địa phương chủ động tập trung chỉ đạo và ưu tiên huy động nguồn lực hỗ trợ nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra (trong trường hợp rà soát nếu xã nào khả năng không hoàn thành được trong năm thì địa phương tự chủ động lựa chọn xã khác trên địa bàn có điều kiện thuận lợi hơn để chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu về số lượng xã đạt chuẩn trong năm đã được giao).
Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tiếp tục tăng cường các giải pháp chỉ đạo, thực hiện nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; đến cuối năm 2024 không còn tình trạng xã NTM bị rớt chuẩn các tiêu chí.
Thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh
Triển khai ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tại Công văn số 3169/UBND-NNTN ngày 09/9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định pháp luật; chủ động rà soát, phối hợp triển khai các nội dung theo thẩm quyền, quy định;
Rà soát danh mục đập, hồ chứa nước do đơn vị, địa phương quản lý, vận hành khai thác để lập kế hoạch, quy trình bảo trì và kinh phí bảo trì theo quy định; phối hợp xây dựng kế hoạch bảo trì công trình trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cân đối bố trí nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác để tổ chức khắc phục tình trạng các công trình bị xuống cấp, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập, phát huy nhiệm vụ của hồ chứa phục vụ dân sinh, kinh tế trên địa bàn;
Thường xuyên tổ chức, kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa, trong và sau mưa lũ hàng năm; lập danh mục các hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, kinh phí bảo trì, khắc phục sửa chữa hư hỏng. Rà soát, kiện toàn, củng cố tổ chức quản lý khai thác đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo đáp ứng năng lực theo quy định.
Giao Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức kiểm tra, rà soát năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; tham mưu phân cấp quản lý các đập, hồ chứa thủy lợi; kiện toàn, củng cố tổ chức quản lý khai thác đập, hồ chứa thủy lợi đảm bảo đáp ứng năng lực; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, vận hành khai thác công trình.
Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Xử lý sạt lở bờ sông Đăk Bla
Triển khai ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tại Công văn số 3176/UBND-HTKT ngày 09/9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý DAĐT xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình thuộc dự án; quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng theo đúng quy định; thực hiện đúng quy định về quản lý, tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được giao; nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn tạm ứng. Rà soát hồ sơ thiết kế và các nội dung liên quan khác; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT kịp thời đề xuất điều chỉnh (nếu có).
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án theo quy định; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý DAĐT xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh thực hiện các nội dung nêu trên, thi công công trình đảm bảo tiến độ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Tiếp tục thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị
Tại Công văn số 3179/UBND-NC ngày 09/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và các văn bản có liên quan. Kịp thời tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, đảm bảo kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
Nâng cao nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra; chỉ đạo, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định; bảo vệ, khen thưởng tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý sai phạm hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...
Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh
Tại Công văn số 3199/UBND-KGVX ngày 10/9, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo, bổ sung nguồn lực mạng lưới y tế tuyến cơ sở để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở;
Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh, các hướng dẫn chuyên môn liên quan đến việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm; xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của đơn vị;
Chủ động tự kiểm tra, rà soát, xác minh, phân tích nguyên nhân các chỉ số bình quân tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa (trong tỉnh, trong khu vực và toàn quốc) để điều chỉnh phù hợp theo quy định.
Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; Tăng cường công tác giám định tập trung đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, chủ động kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT chặt chẽ, đúng quy định, ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT; thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh; Căn cứ chỉ tiêu phát triển KTXH hàng năm của tỉnh, thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT cho UBND cấp xã; đồng thời, chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phê duyệt bổ sung đề tài KHCN cấp tỉnh thực hiện trong năm 2025
Ngày 11/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 581/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung Đề tài khoa học "Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn hiện nay" được thực hiện trong năm 2025.
Mục tiêu của đề tài là làm rõ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số cần được phát huy trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Kon Tum. Từ đó, nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa này trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung nghiên cứu bao gồm tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan, phân tích thực trạng xây dựng đời sống văn hóa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới tại Kon Tum. Kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ đưa ra hệ thống các giải pháp cụ thể, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương.
Quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và giải quyết những vụ việc tập trung đông người, phức tạp
Tại Quyết định số 47/2024/QĐ-UBND ngày 12/9, UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh và phối hợp giải quyết những vụ việc tập trung đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.
Theo đó, Quy chế quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức, việc tổ chức tiếp công dân và trách nhiệm phối hợp giữa Ban Tiếp công dân tỉnh các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phục vụ công tác tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xử lý tình huống công dân tập trung khiếu kiện đông người tại các cơ quan Đảng và nhà nước trên địa bàn tỉnh, các trường hợp công dân của tỉnh đi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vượt cấp tại các cơ quan Trung ương...
Công tác phối hợp được thực hiện trên nguyên tắc mọi hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân phải tuân thủ đúng quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các văn bản QPPL có liên quan và đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương để xác định cụ thể phạm vi, trách nhiệm trong công tác phối hợp tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Hoạt động phối hợp giữa Ban Tiếp công dân tỉnh với các cơ quan, địa phương liên quan dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong tiếp công dân; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền.
Việc cung cấp, trao đổi thông tin về tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải kịp thời, đúng thời gian, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh...
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu trong xử lý công việc
Tại Công văn số 3239/UBND-KTTH ngày 12/9, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu trong xử lý công việc theo các chỉ đạo của UBND tỉnh.
Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; rà soát các nhiệm vụ, công việc của đơn vị, địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, lĩnh vực được phân cấp và Quy chế làm việc của UBND tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thường xuyên rà soát, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo UBND tỉnh đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất của đơn vị, địa phương mình mà chưa được các Bộ ngành giải quyết kịp thời để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh những kiến nghị, đề xuất của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đã gửi đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nhưng chưa được xem xét, giải quyết kịp thời, thỏa đáng (gồm: Cơ quan chuyên môn chưa có văn bản trả lời, giải quyết; đã có văn bản trả lời nhưng nội dung trả lời không thể hiện rõ chính kiến hoặc trả lời đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác; chưa trình, tham mưu UBND tỉnh đối với nội dung thuộc thẩm quyền) để kịp thời xem xét, có ý kiến chỉ đạo...
Chỉ đạo rà soát, kiểm tra thông tin phản ánh liên quan đến cây Sâm Ngọc Linh
Xét báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT và thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí liên quan đến vấn đề mất trộm cây Sâm Ngọc Linh trong thời gian gần đây; tại Công văn số 3250/UBND-NNTN ngày 13/9, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei triển khai các giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình trồng, chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; kịp thời có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, liên hệ và phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị địa phương có liên quan rà soát, nắm bắt tình hình các vụ việc mất trộm cây Sâm Ngọc Linh trong thời gian gần đây (mà báo chí đã phản ánh), tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng mất trộm cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 bảo đảm an toàn, tiết kiệm
Tại Công văn số 3267/UBND-KGVX ngày 15/9, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chăm lo tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 cho trẻ em một cách phù hợp trên cơ sở bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương, hình thức; đặc biệt, ở những nơi bị ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt, thiên tai sau bão (nếu có); tuyệt đối không tổ chức sự kiện tập trung đông trẻ em và đông người, không an toàn tại nơi tổ chức sự kiện và trên đường di chuyển do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt; thay vào đó có thể tổ chức trực tuyến, trên truyền hình và gửi quà đến các cháu (nếu có điều kiện).
Chương trình, hoạt động, sự kiện, lễ hội Trung thu cần rút gọn, giảm các tiết mục văn nghệ; ưu tiên tặng quà Trung thu đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ.
Nhân dịp các hoạt động Trung thu năm 2024, tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” cho trẻ em; thông tin, cập nhật tình hình ảnh hưởng của bão, lũ lụt tại các địa phương, vận động sự chia sẻ, quyên góp, ủng hộ của trẻ em, gia đình và cộng đồng để trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt được sớm trở lại trường học và ổn định cuộc sống.