banner
Chủ nhật, ngày 20 tháng 4 năm 2025
Chú trọng phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử trên cả nước
14-5-2022

Đảng và Nhà nước ta đã có các chính sách lâu dài và nhất quán nhằm phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Hành lang pháp lý cho giao dịch TMĐTđã được ban hành khá sớm và liên tục được Chính phủ cập nhật, hoàn thiện. Các kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT cho từng giai đoạn 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành, gần đây nhất là Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây là chính sách quan trọng,làcơ sở phát triển thị trường TMĐTViệt Nam.

Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Doanh thu TMĐT chủ yếu đến từ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chiếm hơn 70% giao dịch TMĐTcả nước. Điều này cho thấy quy mô phát triển TMĐT giữa các địa phương còn chưa đồng đều. Các sàn giao dịch TMĐT lớn hiện nay chỉ chú trọng phát triển thị trường ở thành phố lớn mà chậm mở rộng kinh doanh ra các địa phương khác, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, càng làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng tại các địa phương trong cả nước. Hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tuy chỉ chiếm hơn 16% dân số toàn quốc, nhưng chiếm khoảng 70% quy mô TMĐT cả nước. Trong khi đó 61 tỉnh, thành phố còn lại chiếm tới hơn 83% dân số nhưng chỉ chiếm khoảng 30% quy mô TMĐT. Chỉ số TMĐT tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với điểm số lần lượt là 67,6 và 55,7 điểm. Trong khi điểm trung bình chỉ số của cả nước là 8,5 điểm, phản ánh khoảng cách giữa 02 thành phố với 61 tỉnh,thành phố còn lại là rất lớn.

Trong bối cảnh đại dịch, khi hoạt động mua sắm trực tuyến trở thành thiết yếu đối với người dân cả nước, tỉ trọng TMĐT của các địa phương khác có xu hướng tăng nhưng khoảng cách được thu hẹp không đáng kể. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng Việt Nam. Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 55% đến từ khu vực ngoài thành thị. Trong đó, những người sử dụng các dịch vụ số trước đại dịch đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch xảy ra và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%. Xu thế tăng trưởng của hoạt động mua sắm hàng trực tuyến vẫn được tiếp tục duy trì, ngay cả sau giai đoạn giãn cách xã hội. Mua hàng trực tuyến đã dần trở thành thói quen mua sắm thường xuyên của người dân.

Bởi vậy, các vùng nông thôn còn rất nhiều dư địa để phát triển TMĐT. Việc phát triển các sàn giao dịch TMĐT Việt Nam và các doanh nghiệp logistics TMĐT Việt Nam mạnh, đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên thị trường là hết sức cấp thiết để hạn chế tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chi phối, giúp giảm các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng, cũng như tạo cơ hội cho hàng hoá Việt Nam cạnh tranh bình đẳng trên thị trường TMĐT.

Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp khả thi để thực hiện được định hướng này là gắn kết chặt chẽ việc phát triển TMĐT, kinh tế số nông thôn với phát triển các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam và các sàn giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp này. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương đề nghị các địa phương: (1) Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên các sàn TMĐT để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn TMĐT Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; (2) Xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương; (3) Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sàn giao dịch TMĐT nông thôn và dịch vụ hạ tầng bưu chính, chuyển phát và logistics tại địa phương; (4) Đẩy nhanh việc thành lập và tập huấn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng tới tận xã, phường, thôn, xóm; (5) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển TMĐT./.

 

Khắc Quang - IpcKonTum
Số lượt xem:517

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467716 Tổng số người truy cập: 74 Số người online:
TNC Phát triển: