banner
Thứ 6, ngày 27 tháng 9 năm 2024
Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 31/7 - 04/8/2023
6-8-2023

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 31/7 - 04/8/2023

Bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2023; Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản; Triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; Tăng cường công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, QPAN 6 tháng cuối năm 2023; Tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”; Giao chỉ tiêu trồng mới cà phê xứ lạnh năm 2023 đến năm 2025... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 31/7 - 04/8/2023.

Bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra tỉnh

Tại Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra tỉnh, cụ thể: (1) Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật, chế độ, chính sách, văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; (2) Thanh tra trách nhiệm Thủ trưởng các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương và UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Chánh Thanh tra tỉnh căn cứ Kế hoạch thanh tra, nội dung thanh tra được phê duyệt tại Quyết định này tiến hành công tác thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và quy định pháp luật khác có liên quan. 

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản, tại Công văn số 2466/UBND-NNTN ngày 01/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng đối với các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực thủy sản có truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án phát triển nuôi trồng thủy sản; các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, nuôi hữu cơ, nuôi lồng bè, nuôi kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện của địa phương. 

Tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các vùng nuôi tập trung, đáp ứng nhu cầu quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu; Triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm. 

Rà soát, đánh giá kịp thời về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng thủy sản để chủ động định hướng đầu tư, phát triển cho phù hợp tiêu dùng trong tỉnh, khu vực và tiến tới xuất khẩu; Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm với tổ chức lễ hội, Chương trình OCOP, quảng bá du lịch của từng địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển sản phẩm thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường, kết nối với các Siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ các mặt hàng thủy sản phù hợp... 

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; từng bước hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã... theo vùng nuôi trồng thủy sản sản xuất theo hướng hàng hoá, tập trung, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 2472/UBND-NNTN ngày 01/8, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ; tăng cường công tác phòng, chống, ứng phó bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh... 

Yêu cầu UBND các các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, bão, lũ ống, lũ quyét, sạt lở đất... cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; chủ động các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt khi có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất; rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của đơn vị, địa phương mình theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời, tiếp tục triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, các khu dân cư ven sông, suối nhỏ, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có thiên tai.

Tăng cường công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện

Thực hiện ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vận hành các hồ chứa Plei Krông, Ialy, Sê San 4 trên lưu vực sông Sê San, tại Công văn số 2474/UBND-NNTN ngày 01/8, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đập thủy điện: Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, Plei Krông, Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập hồ chứa thủy điện để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du; hạn chế thiệt hại sản xuất ở vùng bán ngập trong lòng hồ Ialy; nghiên cứu xây dựng các phương án vận hành nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống, giảm lũ và cấp nước hạ du sông Sê San. 

Giao các cơ quan liên quan của tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy điện, hiện trạng an toàn đập trước mùa mưa lũ năm 2023; kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa và các phương án vận hành nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống, giảm lũ và cấp nước hạ du sông Sê San và đề nghị các Chủ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định. 

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2023

Tại Công văn số 2506/UBND-KTTH ngày 04/8, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2023, như: 

Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp và đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm; chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý Nhà nước liên quan; tích cực theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời hướng dẫn các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tăng cường phân cấp quản lý đầu tư cho các cấp cơ sở nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún. 

Quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu duy trì xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc. 

Huy động các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó, tiếp tục chú trọng xây dựng thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn, phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 03 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Đề xuất các giải pháp phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhất là những vùng chuyên canh nông sản, sản xuất hàng hóa. 

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tổ chức tốt công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng năm học 2023 - 2024; tổ chức các hoạt động hè vui tươi, an toàn, lành mạnh. 

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống của Nhân dân. Chủ động triển khai các phương án hỗ trợ người lao động khi cần thiết. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp, trợ giúp xã hội. Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới. Chủ động, quyết liệt, kịp thời ứng phó, kiểm soát và xử lý hiệu quả các loại dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa hè; tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân... 

Tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”

Thực hiện ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, tại Công văn số 2507/UBND-HTKT ngày 04/8, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn tỉnh. 

Sở Giao thông vận tải rà soát, đánh giá kết quả thực hiện ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô trong việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh

Tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  về việc thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh, tại Công văn số 2510/UBND-NNTN ngày 04/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng và các chính sách, pháp luật có liên quan đối với việc phát triển cà phê xứ lạnh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; Khẩn trương rà soát chính xác hiện trạng thực tế cà phê xứ lạnh trên địa bàn, xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đã giao trong năm 2023 và các năm tiếp theo. 

Áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững để phục hồi, phát triển diện tích già cỗi, kém hiệu quả; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận để trồng mới, phát triển diện tích cà phê xứ lạnh. Đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn chuyển giao kỹ thuật cải tạo, phục hồi, chăm sóc, thâm canh cây cà phê xứ lạnh. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai trồng mới năm 2023 (đất, giống, phân bón,…); Triển khai xây dựng bản đồ nông hoá thổ nhưỡng, bản đồ thích nghi các loại cây trồng trên địa bàn huyện để làm cơ sở triển khai xây dựng các vùng trồng tập trung đảm bảo sản lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Triển khai các giải pháp để hỗ trợ, hình thành các cơ sở chế biến  để góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cà phê xứ lạnh. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các chuỗi liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê xứ lạnh trên địa bàn để thúc đẩy người dân tham gia trồng, phát triển cà phê xứ lạnh. 

Chỉ tiêu trồng mới cà phê xứ lạnh năm 2023 đến năm 2025

Tại Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 04/8, UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới cà phê xứ lạnh năm 2023 đến năm 2025, trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024 cho UBND các huyện, thành phố, cụ thể: Về trồng mới cà phê xứ lạnh,  năm 2023 là 200ha, năm 2024 là 750ha và năm 2025 750ha; Chỉ tiêu trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024 (đợt 1) là 897ha. 

UBND tỉnh giao UBND các địa phương liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng mới cà phê xứ lạnh năm 2023 đến năm 2025; trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024 theo đúng quy định hiện hành; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo các chỉ tiêu, hướng dẫn, cụ thể hoá các chỉ tiêu kế hoạch.

 

 

Khắc Quang - Ipckontum
Số lượt xem:133

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 45 Số người online:
TNC Phát triển: