banner
Thứ 5, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói
9-11-2023

Đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Ngày 31/10/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, Mùa năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ông Trần Phước Hiền chủ trì Hội nghị. 

Sau khi nghe các báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thủy lợi, Đài KTTV khu vực; ý kiến phát biểu đại diện của một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đại biểu. Thứ trưởng Hoàng Trung kết luận Hội nghị như sau: 

Để chuẩn bị tốt cho sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2023 - 2024, đề nghị các địa phương và các đơn vị cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau: 

Các địa phương:

Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ sản xuất cây trồng, trong đó có lúa vụ Mùa năm 2023; đối với diện tích lúa đã chín cần khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà - hơn già đồng”. 

Chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, phòng tránh hạn hán. 

Đảm bảo đạt mục tiêu toàn diện về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, sâu bệnh và cân đối cung cầu. 

Thường xuyên cập nhật diễn biến khí hậu thời tiết để dự báo tình hình sinh vật gây hại, có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; Kiểm tra, củng cố hệ thống thủy lợi, xây dựng phương án ứng phó với hạn hán khi mùa khô đến. 

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2023 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. 

Tập trung chỉ đạo xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 sớm, gọn theo cánh đồng, trong tháng 12 năm 2023; Đối với chân lúa 3 vụ/năm có thể xuống giống sớm hơn để đảm bảo thời vụ sản xuất lúa vụ sau; Đối với chân đất thấp, bị ngập úng cần tính toán cụ thể thời vụ xuống giống, tránh gieo sạ nhiều lần do ngập úng. Cơ cấu giống: sử dụng giống ngắn ngày; giống chất lượng chiếm 60 - 65% diện tích. 

Tổ chức hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật (IPHM, 3G3T, 1P5G…), thích ứng BĐKH; tăng cường sử dụng các giống thuần chủng, giống xác nhận. Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả: phổ biến biện pháp phòng chống hạn; áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm; Tiếp tục thực hiện tái canh cà phê, ổn định và khuyến cáo không mở rộng diện tích hồ tiêu. Cây trồng xen trong cà phê, hồ tiêu cần đảm bảo đúng quy trình, mật độ trồng xen hợp lý để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. 

Tăng cường công tác phòng trừ sinh vật gây hại nhằm bảo vệ các vụ lúa và cây trồng chủ lực. 

Đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng. 

Có chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất; Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn và chủ động tiêu thụ sản phẩm. 

Kiểm tra vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) để đảm bảo số lượng và chất lượng. 

Cục Trồng trọt:

Phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất mùa vụ cụ thể, phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình hạn; Trong trường hợp cần thiết, thành lập đoàn công tác với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ tổ chức kiểm tra thực địa. 

Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng các quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trồng trọt và các Đề án liên quan được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ; hướng dẫn việc quản lý cấp chứng nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cho các địa phương. 

Tăng cường kiểm tra, thanh tra chất lượng giống cây trồng, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh giống kém chất lượng. 

Cục Bảo vệ thực vật:

Tăng cường chỉ đạo kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại các loài dịch hại chính, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; (Rầy nâu, vàng lùn xoắn lá, khảm lá sắn, sâu keo mùa thu…). 

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các quy trình kỹ thuật phòng chống dịch hại đã được ban hành, Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ theo các Chỉ thị của Bộ. 

Đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương đánh giá, giám sát và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu. 

Tổ chức kiểm tra, thanh tra chất lượng, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh thuốc BVTV, phân bón kém chất lượng. 

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam; cũng như xử lý tranh chấp phát sinh… 

Chỉ đạo các cơ quan Kiểm dịch thực vật có cơ chế thông tin đến các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, rau quả, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. 

Cục Thủy lợi: Chủ động theo dõi nguồn nước, chất lượng nước, thông báo và khuyến cáo kịp thời tới các tỉnh, có hướng dẫn điều tiết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả đối với sản xuất. 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Triển khai và khuyến cáo nhân rộng các mô hình liên kết, canh tác hiệu quả, lợi nhuận cao, bền vững; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kỹ thuật phòng chống hạn hán trong mùa khô vụ Đông Xuân 2023 - 2024 tại vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Nhân rộng các mô hình giảm chi phí đầu vào như giảm khối lượng giống gieo sạ, giảm phân bón hoá học, thuốc BVTV hoá học và tưới tiết kiệm. 

Các Viện Nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT trên địa bàn: Tiếp tục nhân rộng và chuyển giao kết quả nghiên cứu về giải pháp kỹ thuật, giống tốt, thích ứng điều kiện khô hạn; chuyển giao các mô hình hiệu quả, quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến cho vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. 

Các doanh nghiệp, hiệp hội: Chuẩn bị đủ lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, cung ứng kịp thời cho người dân với giá hợp lý để người dân có thể tiếp cận được nguồn hạt giống, vật tư đầu vào có chất lượng tốt; tăng cường liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu./.

 

 

Diễm Hằng - ipckontum
Số lượt xem:151

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 112 Số người online:
TNC Phát triển: