Giải thể Quỹ Đầu tư phát triển địa phương nếu không đáp ứng đủ vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng
Vừa qua, Bộ Tài chính có Văn bản số 5342/BTC-TCNH ngày 24/5/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuân thủ quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ ĐTPT địa phương.
Theo quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (Điều 43):
“Quỹ đầu tư phát triển địa phương bị giải thể khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Quỹ đã thành lập và hoạt động nhưng sau thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành vốn điều lệ thực có thấp hơn 300 tỷ đồng.
(2) Quỹ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và có tỷ lệ giá trị dư nợ cho vay và đầu tư (không bao gồm các khoản nhận ủy thác cho vay) trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% trong 05 năm liên tiếp.
(3) Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% hoặc tỷ lệ các khoản nợ phải thu khó đòi trên tổng số vốn đầu tư cao hơn 80% và lũy kế chênh lệch thu - chi âm lớn hơn hoặc bằng 75% số vốn điều lệ thực có của Quỹ đầu tư phát triển địa phương trong 05 năm liên tiếp.
(4) Các trường hợp Quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì Quỹ theo đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Căn cứ quy định nêu trên, sau 03 năm kể từ ngày Nghị định số 147/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (tức ngày 05/02/2021) thì đến ngày 05/02/2024 các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (Quỹ ĐTPT) đã thành lập và hoạt động phải được cấp đủ vốn điều lệ tối thiểu là 300 tỷ đồng; trường hợp không đủ thì Quỹ ĐTPT thuộc trường hợp bị giải thể.
Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật để hoàn thiện thủ tục giải thể Quỹ ĐTPT không đáp ứng đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định. Đề nghị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2024 để theo dõi, tổng hợp tình hình./.