Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến tháng 10 năm 2024
Tính đến ngày 31/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 156 xã khu vực III vùng DTTS và MN, có 11 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
Kết quả đạt được
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương và Kế hoạch kiểm tra giám sát của Tổ công tác Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Chương trình theo địa bàn được phân công. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các đoàn công tác đi hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các chương trình chuyên đề, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương; gắn nội dung kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình với khảo sát, thẩm định đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tiếp tục nhận được sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân; nguồn lực huy động cho xây dựng NTM tiếp tục được huy động tốt. Lũy kế đến hết tháng 06/2024, cả nước đã huy động được trên 2,92 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 297.459 tỷ đồng (10,2%), vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác khoảng 204.230 tỷ đồng (chiếm 7,0%), vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đến 30/9/2024) khoảng 2.154.230 tỷ đồng (chiếm 73,8%), vốn doanh nghiệp: khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,2%), cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 112.729 tỷ đồng (chiếm 3,9%).
Tính đến ngày 31/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 156 xã khu vực III vùng DTTS và MN, có 11 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó, đã có 12 huyện (05%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Theo số liệu báo cáo, đăng ký của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79-79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao năm 2024; đạt 99% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025), trong đó: Có khoảng 38% số xã đạt NTM nâng cao (vượt mục tiêu được giao năm 2024; đạt khoảng 95% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025) và 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu (hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025). Có khoảng 305 đơn vị cấp huyện (khoảng 47%) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (vượt mục tiêu được giao năm 2024; đạt 94% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025), trong đó, có khoảng 18 huyện (5,9%) được công nhận đạt NTM nâng cao và chưa có huyện NTM kiểu mẫu (đạt 59% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025). Có thêm từ 1-2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt khoảng 53% mục tiêu phấn đấu đến 2025).
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 30,7% số lượng sản phẩm OCOP của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với 18,3%, tiếp đến là MN phía Bắc chiếm 16,8%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 5,8%. Có 7.846 chủ thể OCOP, trong đó có 32,8% là HTX, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.
Tồn tại, hạn chế
Tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của một số bộ, ngành trung ương và địa phương còn rất chậm. Đến hết 9/2024, các bộ, ngành trung ương mới hoàn thành ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo phân công, vẫn còn 07 tỉnh thành phố, đến nay chưa ban hành/hoặc chưa ban hành đầy đủ các văn bản cụ thể hóa các chỉ tiêu, tiêu chí NTM theo phân cấp tại Quyết định số 211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương (vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp) năm 2024 (bao gồm các nguồn vốn của các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024) đạt rất thấp. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% tổng kế hoạch vốn được giao (trong đó, vốn kéo dài từ các năm trước giải ngân đạt 26%, kế hoạch vốn giao năm 2024 giải ngân đạt 54,8%), tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 20% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm). Có 24 địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp dưới 20%.
Tiến độ triển khai các mô hình chỉ đạo điểm thuộc các chương trình chuyên đề rất chậm, cụ thể: Chương trình OCOP: Trong tổng số 31 mô hình thí điểm được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt danh mục, hiện nay có 18 mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án/kế hoạch; 12 mô hình đang hoàn thiện thủ tục; 01 mô hình (theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Giang) đề nghị không tiếp tục thực hiện. Chương trình phát triển du lịch nông thôn: Trong tổng số 20 mô hình thí điểm được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt danh mục, có 10/20 mô hình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án/kế hoạch, còn 10/20 mô hình đang làm thủ tục. Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh: Còn 02/63 tỉnh chưa bàn hành Kế hoạch thực hiện (Bắc Ninh, Bình Định). Trong tổng số 15 mô hình thí điểm được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt danh mục, đã có 07 mô hình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn 08 mô hình đang hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn: Còn 03 tỉnh chưa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình (Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh). Trong tổng số 48 mô hình thí điểm được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt danh mục, có 20 mô hình đã được tổ chức phê duyệt kế hoạch/dự án và đang triển khai thực hiện; 21 mô hình đang làm thủ tục; 07 mô hình không tiếp tục thực hiện.
Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như (Đồng bằng sông Hồng: 100%, Đông Nam Bộ: 95,5% trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 51,8%, Tây Nguyên 61,5%); vẫn còn 04 tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%, còn 05 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay vẫn còn 15 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM” (giảm 01 huyện so với đầu năm 2024). Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, có khoảng 11 địa phương không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024…
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, các xã khu vực III, II nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ không được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục… làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, cũng như không tạo động lực, khuyến khích các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn NTM. Số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) vùng DTTS và MN, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM còn rất hạn chế…./.