banner
Thứ 6, ngày 20 tháng 9 năm 2024
Liên vùng; thu hút và xúc tiến đầu tư hướng tới mục tiêu người dân phải sống được từ nguồn lợi rừng tự nhiên và rừng trồng
12-10-2023


Liên vùng; thu hút và xúc tiến đầu tư hướng tới mục tiêu người dân phải sống được từ nguồn lợi rừng tự nhiên và rừng trồng

Ngày 10/10, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 409/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng 

Theo đó, Ngày 20 tháng 9 năm 2023, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên (sau đây gọi tắt là Hội đồng) đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng. Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương và cơ quan trung ương dự họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận như sau: 

Quốc hội đã có Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06 tháng 10 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã có Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23NQ/TW. Với những căn cứ chính trị và pháp lý quan trọng này, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm và sáng tạo, dám nghĩ dám làm của các thành viên Hội đồng, chúng ta tin tưởng rằng công tác liên kết phát triển vùng Tây Nguyên sẽ đạt được nhiều kết quả thiết thực và có ý nghĩa… 

Tây Nguyên về cơ bản vẫn là vùng nghèo nhưng có dư địa phát triển về đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng và nguồn nước, giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng; thời gian vừa qua đã được Trung ương quan tâm đầu tư tập trung vào hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng. Để góp phần tạo bứt phá cho Tây Nguyên, Hội đồng cần tập trung đề xuất các sáng kiến triển khai các nội dung phối hợp, liên kết, hợp tác tháo gỡ khó khăn chung, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển một cách hài hoà, bền vững. Các thành viên liên quan của Hội đồng chủ động trao đổi, phối hợp xử lý các vướng mắc (nếu có) giữa các địa phương trong vùng theo nguyên tắc ưu tiên lợi ích chung của vùng. 

Hội đồng phải xây dựng được lộ trình triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển vùng Tây Nguyên một cách thiết thực, khả thi, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm “chậm mà chắc” với mục tiêu là xây dựng vùng Tây Nguyễn bình yên và phát triển, trong đó hai yếu tố bình yên và phát triển có mối quan hệ tương hỗ rất chặt chẽ. 

Trong năm 2023 phải hoàn thành quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vì đây là căn cứ quan trọng cho sự hợp tác, liên kết phát triển của các địa phương trong vùng. Trong xây dựng và thẩm định, ban hành quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, cần có sự phối hợp của các địa phương trong vùng và các cơ quan liên quan để xác định lộ trình ưu tiên (đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và sử dụng tài nguyên rừng); xây dựng các dự án, công trình phù hợp lợi ích chung của vùng và của các tỉnh lân cận; điều hoà lợi ích giữa các địa phương. 

Hội đồng cần đóng góp tích cực để hoàn thiện các chính sách khoán bảo vệ và phát triển rừng, các công cụ chính sách thị trường như thuê dịch vụ môi trường rừng, thị trường giao dịch tín chỉ carbon, phát triển kinh tế trang trại... để hướng tới mục tiêu người dân phải sống được từ nguồn lợi rừng tự nhiên và rừng trồng. 

Việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù của vùng cần theo hướng Trung ương cho cơ chế và một phần nguồn lực “mồi”, các tỉnh trong vùng chủ động huy động nguồn lực và bảo đảm nguồn lực đầu tư được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Các tỉnh trong vùng cần chuẩn bị nguồn lực để đầu tư vào các dự án cấp bách sau khi có cơ chế đặc thù hoặc vướng mắc được tháo gỡ. 

Hoạt động điều phối, liên kết của Hội đồng trước mắt tập trung vào các nội dụng: kết nối giao thông nội vùng và liên vùng; thu hút và xúc tiến đầu tư (theo nhu cầu của nhà đầu tư, không cục bộ, manh mún); sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ngoài ranh giới của từng địa phương (đặc biệt trong việc phân công chế biến và cung cấp nguyên liệu); phát triển du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... 

Lãnh đạo địa phương các cấp khẩn trương nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, triển khai nhanh và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, bảo đảm các đối tượng sớm được hưởng chính sách của các chương trình, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí. 

Các thành viên của Hội đồng phải quan tâm thích đáng đến công tác dân tộc, tôn giáo (nhất là tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào di cư tự do; phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc có  trình độ và năng lực; bảo tồn văn hoá các dân tộc Tây Nguyên); đẩy mạnh chuyển đổi số (kinh nghiệm ở nhiều nơi cho thấy hoàn toàn khả thi và rất hiệu quả đối với vùng sâu vùng xa, đặc biệt trong việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ). Về một số công việc cụ thể: 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét áp dụng cơ chế đặc thù (sử dụng ngân sách địa phương này đầu tư cho dự án có một phần triển khai trên địa bàn tỉnh khác) để đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27, trước mắt là đoạn kết nối Lâm Đồng và Ninh Thuận. 

Bộ Công an khẩn trương chuẩn bị để Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Các thành viên Hội đồng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho vùng trong một số một số lĩnh vực thiết yếu, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng. 

Hội đồng sẽ tổ chức Hội nghị thảo luận, cho ý kiến về quy hoạch vùng và cơ chế đặc thù của vùng vào giữa tháng 10 năm 2023./.

 

 

Diễm Hằng - ipckontum
Số lượt xem:173

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 51 Số người online:
TNC Phát triển: