Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 19- 23/8/2024
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; Triển khai các quy định mới của Luật Đất đai năm 2024; Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc tỉnh; Ủy quyền Sở Công Thương lựa chọn phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công; Chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường; Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; Chỉ đạo về đánh giá tác động TTHC trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 19 - 23/8/2024.
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người
Triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Công văn số 2929/UBND-KGVX ngày 19/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh truyền thông đến người dân về các biện pháp phòng, chống cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại, cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người khác; tăng cường công tác truyền thông tại trường học cho trẻ em; đa dạng hóa các kênh truyền thông để nhiều người dân có thể tiếp cận.
Giao các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện giám sát bệnh truyền lây từ động vật sang người nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch trên động vật, kịp thời khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; Rà soát, mở rộng và tăng cường các điểm tiêm phòng bệnh Dại, đặc biệt tại các địa phương có địa bàn rộng và địa hình khó khăn như vùng sâu, vùng xa...
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố nghiêm túc và quyết liệt thực hiện công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc xin cúm gia cầm, Dại, các bệnh lây truyền giữa người và động vật để phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đàn chó mèo bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm...
Triển khai các quy định mới của Luật Đất đai năm 2024
Tại Công văn số 2931/UBND-NNTN ngày 19/8, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố rà soát lại số hồ sơ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn đọng để giải quyết cho Nhân dân, nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, phục vụ cho công tác quản lý đất đai; tránh tình trạng người dân kiến nghị nhiều nhưng không giải quyết.
Tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan trên địa bàn đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn cấp huyện; triển khai công tác kiểm kê đất đai năm 2024.
Chủ động nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền thực hiện Luật Đất đai 2024, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 đến các phòng, ban, đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện và UBND các xã, phường thị trấn biết và áp dụng đảm bảo theo quy định...
Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc tỉnh
Tại Quyết định số 44/2024/QĐ-UBND ngày 19/8, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 2 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số 16/2022/QĐ-UBND ngày 13/6/2022 của UBND tỉnh Kon Tum, cụ thể: “10. Thực hiện công tác kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ban Dân tộc; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong lĩnh vực công tác được giao theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác thanh tra khi được UBND tỉnh cho phép thành lập cơ quan Thanh tra theo quy định của pháp luật”.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 29/8/2024.
Ủy quyền Sở Công Thương lựa chọn phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công
Tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 20/8/2024, UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Công Thương lựa chọn và quyết định phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khuyến công và xúc tiến thương mại thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP 10/4/2019 của Chính phủ và các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thời gian ủy quyền là 5 năm. Trong thời gian ủy quyền, trường hợp Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có sự điều chỉnh, bổ sung dẫn đến phải điều chỉnh nội dung ủy quyền, Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh nhiệm vụ đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành...
Chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường
Tại Công văn số 2957/UBND-KGVX ngày 21/8, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả và đảm bảo quy định các nội dung phòng, chống dịch trong mùa tựu trường theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; Khẩn trương tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai công tác phòng chống dịch, nhất là tại các khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa bàn chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Yêu cầu các địa phương có ca và ổ dịch sốt xuất huyết Dengue tăng nhanh trong thời gian gần đây, như: Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Hà và thành phố Kon Tum, chỉ đạo khẩn trương, tăng cường thực hiện các biện pháp xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của ngành Y tế; tổ chức kiểm tra khuôn viên trường, lớp trên địa bàn bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học, đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhất là thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy.
Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Triển khai ý kiến của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, tại Công văn số 2965/UBND-NNTN ngày 22/8, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và các loại hình thiên tai có thể xảy ra;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân và cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra;
Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do thiên tai theo quy định; hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bảo đảm cung ứng lương thực, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với các hộ bị mất nhà do lũ cuốn, sạt lở đất, hộ nghèo, hộ khó khăn có nguy cơ thiếu đói, tuyệt đối không được để người dân bị đói, không có chỗ ở hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu khác; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ, thiên tai theo quy định...
Ủy quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
Ngày 23/8, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 534/QĐ-UBND, ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6, 7 Điều 4 Luật Đất đai năm 2024. Thời gian ủy quyền kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2030.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo đúng các quy định của pháp luật đất đai; Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc thực hiện nội dung được ủy quyền nêu trên.
Chỉ đạo về đánh giá tác động TTHC trong đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Tại Công văn số 2981/UBND-TTHCC ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động TTHC theo quy định; Chú trọng việc đánh giá tác động TTHC trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhất là những văn bản thực thi phương án cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân;
Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vấn đề bất cập trong quá trình thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là giữa cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC, cơ quan, đơn vị góp ý, thẩm định trong quá trình góp ý, thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện nghiêm việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC khi có Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính theo quy định và đã được lấy ý kiến cơ quan kiểm soát TTHC; bảo đảm việc quy định TTHC đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước...
Bảo đảm biên chế, kinh phí cho công tác xây dựng văn bản pháp luật; chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại...