banner
Thứ 5, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 29/01- 02/02/2024
3-2-2024

Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 29/01- 02/02/2024

Kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa; Triển khai các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật; Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán; Đơn giá quản lý, vận hành các trụ sở CQNN thuộc tỉnh quản lý tại Khu Hành chính của tỉnh; Mức giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn tỉnh; Định mức KTKT dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực KHCN trên địa bàn tỉnh; Triển khai phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024; Phê duyệt 255 điểm đấu nối vào các quốc lộ qua địa bàn tỉnh; Sửa đổi Quy định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Hoàn thành việc phân bổ gạo cho các hộ thiếu đói dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn trước ngày 08/02... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 29/01 - 02/02/2024. 

Kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa 

Tại Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 29/01/2024, UBND tỉnh giao các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại 27 di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa. 

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; Xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ; Giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. 

Đợt kiểm tra nhằm mục đích giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương. 

Triển khai các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật 

Tại Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 29/01, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện, phân công rõ trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác phát triển chăn nuôi để đảm bảo chỉ tiêu năm 2024; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. 

Căn cứ những lợi thế sẵn có của từng địa phương, khẩn trương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu chăn nuôi trong năm 2024; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và khuyến khích người chăn nuôi chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô trang trại; Khẩn trương triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. 

Tăng cường thông tin tuyên truyền và đa dạng hóa các phương thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chủ động trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, bệnh truyền lây từ động vật sang người; Tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi và bệnh truyền lây từ động vật sang người theo quy định; Tổ chức triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đảm bảo hiệu quả, tỷ lệ. 

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn; Kiên quyết đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật. Tổ chức công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn theo quy định, không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh động vật. 

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 

Tại Công văn số 389/UBND-KTTH ngày 31/01, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý, đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. 

Đơn giá quản lý, vận hành các trụ sở CQNN thuộc tỉnh quản lý tại Khu Hành chính của tỉnh 

Tại Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 31/01, UBND tỉnh ban hành Bảng đơn giá dịch vụ công đối với dịch vụ quản lý, vận hành các tòa nhà/trụ sở cơ quan nhà nước thuộc tỉnh quản lý tại Khu hành chính tỉnh Kon Tum để làm cơ sở cho việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN; làm cơ sở xây dựng dự toán, thanh quyết toán theo quy định của pháp luật. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2024. 

Mức giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn tỉnh 

Ngày 31/01, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND Quy định mức giá cụ thể đối với dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn tỉnh Kon Tum. 

Ban hành kèm theo Quyết định là Phụ lục mức giá cụ thể đối với dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn tỉnh; Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối tượng thu là xe ô tô ra, vào, ghé bến để đón, trả hành khách, bốc, xếp, dỡ hàng hóa. 

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2024 và thay thế Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 22/6/2016 của UBND tỉnh Kon Tum về việc quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô; Đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác bến xe ô tô; Cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Định mức KTKT dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực KHCN trên địa bàn tỉnh 

Tại Quyết định số 10/2024/QĐ-UBND ngày 31/01/2024, UBND tỉnh Quy định 07 định mức kinh tế - kỹ thuật (KTKT) dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh. 

Ban hành kèm theo Quyết định là các Phụ lục các định mức KTKT dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực KHCN trên địa bàn tỉnh Kon Tum, gồm: 05 định mức KTKT về kiểm tra ADN và phân tích hàm lượng saponin tổng hợp Sâm Ngọc Linh; 01 định mức KTKT về chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt; 01 định mức KTKT về truyền thông, khai thác, ứng dụng nhiệm vụ KHCN, phát triển công nghệ. 

Định mức trên là cơ sở để xác định đơn giá 07 dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KHCN trên địa bàn tỉnh có sử dụng kinh phí từ NSNN theo phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ. 

Triển khai phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024 

Ngày 31/01, UBND tỉnh ban hành Công văn số 380/UBND-NNTN triển khai phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây và hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm 2024 (dự kiến vào ngày 05/6/2024; đồng thời, cấp huyện rà soát, lựa chọn địa điểm, thời gian tổ chức “Lễ phát động Tết trồng cây và hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm 2024” cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và theo quy định. 

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, thiết thực và hiệu quả; khuyến khích các ngành các cấp và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp đặc biệt là chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất;

 

Phát động phong trào trồng cây trồng rừng sâu rộng đến các xã phường, thôn, làng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các trường học... đặc biệt là quần chúng Nhân dân; Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng lâu năm, đa tác dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn, chất lượng cây giống đủ tiêu chuẩn để tổ chức trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để đảm bảo cây trồng, rừng trồng phát triển tốt, tập trung phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn... 

Phê duyệt 255 điểm đấu nối vào các quốc lộ qua địa bàn tỉnh 

Tại Quyết định số 50/QĐ-UBND ngày 01/02, UBND tỉnh phê duyệt 255 điểm đấu nối vào Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 24, Quốc lộ 40 và Quốc lộ 40B qua địa bàn tỉnh (bao gồm các điểm đấu nối đường nhánh và các điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu), trong đó: 

Đường Hồ Chí Minh (Km1407+250 - Km1563+250) dài 156Km, có 104 vị trí đấu nối (gồm 44 điểm bên trái, 45 điểm bên phải và 15 ngã tư); Quốc lộ 14C (Km0 - Km106+800) dài 106,8Km, có 43 vị trí đấu nối (gồm 17 điểm bên trái, 13 điểm bên phải và 13 ngã tư); Quốc lộ 24 (Km69 - Km168+200) dài 99,2Km, có 60 vị trí đấu nối (bao gồm 24 điểm bên trái, 25 điểm bên phải và 11 ngã tư); Quốc lộ 40 (Km0 - Km21+526) dài 21,526Km, có 13 vị trí đấu nối (bao gồm 07 điểm bên trái, 05 điểm bên phải và 01 ngã tư); Quốc lộ 40B (Km147+431 - Km205+440) dài 58,009Km, có 35 vị trí đấu nối (bao gồm 15 điểm bên trái, 15 điểm bên phải và 05 ngã tư). 

Về công tác quản lý các điểm đấu nối, việc kết nối hệ thống giao thông nội bộ trong các khu công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và các đường ngang khác vào quốc lộ phải thông qua các điểm đấu nối tại các vị trí danh mục trên; Phải xây dựng đường gom (nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ) để gom các đường ngang ở lân cận đến điểm đấu nối gần nhất trong danh mục trên trước khi vào quốc lộ. 

Sửa đổi Quy định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla 

Tại Quyết định số 11/2024/QĐ-UBND ngày 01/02/2024, UBND tỉnh sửa đổi một số điều của Quy định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội áp dụng đối với chung cư Nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, thành phố Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số 31/2023/QĐ-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh Kon Tum. 

Sửa đổi khoản 1 Điều 2 “1. Giá thuê nhà ở xã hội là 20.717 đồng/m2/tháng, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, chi phí bảo trì, thuế giá trị gia tăng; không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí quản lý vận hành.” 

Sửa đổi khoản 2 Điều 2 “2. Hệ số tầng điều chỉnh giá thuê (hệ số K): Tầng 2, hệ số K 1,175; Tầng 3, hệ số K 1,125; Tầng 4, hệ số K 1,075; Tầng 5, hệ số K 1,025; Tầng 6, hệ số K 0,975; Tầng 7, hệ số K 0,925; Tầng 8, hệ số K 0,875; Tầng 9, hệ số K 0,825. 

Sửa đổi khoản 1 Điều 3 “1. Giá thuê mua nhà ở xã hội là 50.524 đồng/m2/tháng, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, thuế giá trị gia tăng; không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí quản lý vận hành, chi phí bảo trì.” 

Sửa đổi khoản 3 Điều 3 “3. Giá trị của nhà ở thuê mua bằng giá thuê mua nhà ở xã hội nhân với (×) diện tích sử dụng căn hộ (m2), nhân với (×) hệ số tầng điều chỉnh giá thuê mua tương ứng với căn hộ thuê mua và nhân với (×) thời hạn là 240 tháng (là thời gian thu hồi vốn công trình để áp dụng tính giá thuê mua).” 

Sửa đổi khoản 4 Điều 3 “4. Người thuê mua nhà ở xã hội có trách nhiệm thanh toán trước cho bên cho thuê mua 20% giá trị của nhà ở thuê mua, trừ trường hợp người thuê mua có điều kiện thanh toán trước thì được thanh toán không quá 50% giá trị nhà ở cho thuê mua và chi phí bảo trì đóng 01 (một) lần tương ứng 2% giá trị của nhà ở thuê mua; số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà ở và được thanh toán theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Quy định này trong thời hạn tối thiểu 60 tháng và tối đa 240 tháng kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.” 

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 

Tại Công văn số 434/UBND-NC ngày 02/02, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi về tâm linh tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; không để các đối tượng lợi dụng tuyên truyền, kích động tụ tập đông người, gây phức tạp về an ninh, trật tự; đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở thờ tự nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội tôn giáo, lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với nếp sống văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín... 

Tăng cường công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc tiêu biểu và người có uy tín trong các tôn giáo trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; chủ động tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo để có biện pháp giải quyết, không để phát sinh phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương. Chủ động vận động, phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong việc phối hợp với các cấp chính quyền tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, người lao động, người bị mất việc làm... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. 

Hoàn thành việc phân bổ gạo cho các hộ thiếu đói dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn trước ngày 08/02 

Tại Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 02/02, UBND tỉnh phân bổ gạo hỗ trợ của Chính phủ cho 1.570 hộ/ 5.124 khẩu với 76,86 tấn gạo có nguy cơ thiếu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2024 (hỗ trợ 1 tháng với mức 15kg/người); Hỗ trợ cho 1.384 hộ/ 4.658 khẩu với 69,87 tấn gạo có nguy cơ thiếu đói dịp giáp hạt năm 2024 (hỗ trợ 1 tháng với mức 15kg/người). 

UBND tỉnh giao Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên, UBND các huyện có liên quan tiếp nhận và hoàn thành việc phân bổ số gạo nêu trên cho các hộ thiếu đói dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn trước ngày 08/02/2024 và dịp giáp hạt đầu năm 2024 trước ngày 28/02/2024. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc phân phối, hỗ trợ gạo nêu trên; báo cáo cơ quan có thẩm quyền kết quả thực hiện theo quy định.../.

 

 

Thế Đắc - Ipckontum
Số lượt xem:94

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 106 Số người online:
TNC Phát triển: