Phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên trong năm 2024
Đây là mục tiêu tại Kế hoạch số 718/KH-UBND ngày 02/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Kon Tum năm 2024.
Theo Kế hoạch, mục tiêu cụ thể phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh là phấn đấu đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có ít nhất 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (tăng 50 sản phẩm so với năm 2023). Trong đó: Có thêm ít nhất 50 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (07 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 05 sản phẩm 4 sao và 38 sản phẩm 3 sao); Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận sao OCOP (Sản phẩm hết hiệu lực được tiếp tục tổ chức đánh giá công nhận lại. Sản phẩm 3 sao tiếp tục phấn đấu lên 4 sao, sản phẩm 4 sao tiếp tục phấn đấu lên 5 sao); Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Phấn đấu khoảng 50% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Triển khai thực hiện mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 “Phát triển vùng nguyên liệu mắc ca gắn với mục tiêu phát triển cộng đồng trong quản lý tài nguyên rừng tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum", từng bước nâng cao năng lực chế biến và phát triển sản phẩm theo chuẩn OCOP, hướng đến sản phẩm OCOP 5 sao”.
Có ít nhất 30-50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); tiếp tục củng cố, nâng cấp 01 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Kinh phí thực hiện từ nguồn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024; nguồn lồng ghép các chương trình, dự án; nguồn ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã (bao gồm kinh phí đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương, theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch; Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương; tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo đúng Kế hoạch...