banner
Chủ nhật, ngày 29 tháng 9 năm 2024
Phát triển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả, dược liệu và mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
6-5-2023

Ngày 04/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1277/KH-UBND về phát triển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả, dược liệu và mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Kế hoạch nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phát triển cây ăn quả, dược liệu thành vùng chuyên canh để tổ chức sản xuất chuỗi sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Hình thành “Mô hình Hội quán” dựa trên cơ sở tự nguyện tham gia của người dân, đây chính là thiết chế tự quản, tự nguyện của cộng đồng dân cư; tự lập, tự chủ hoạt động theo nguyên tắc "3 không","3 tự","3 cùng" (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng) nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, có không gian để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản; tham gia xây dựng nông thôn mới. 

Mục tiêu đến 2025: Diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây);  dược liệu khác 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha (1.600ha đất qua các lượt trồng) cây dược liệu hằng năm. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn. 

Hình thành và phát triển 10.000 ha cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Trọng điểm là hình thành vùng trồng tập trung một số loại cây chủ lực (gồm: sầu riêng, chuối, mít, chanh dây, dứa, cây có múi) tại các địa phương có điều kiện phù hợp và thuận lợi trên địa bàn tỉnh: thành phố Kon Tum, các huyện: Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon Plông). 

Hình thành mô hình điểm đối với 01 Hội quán trên địa bàn huyện Đăk Hà và 01 Hội quán vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố Kon Tum trong năm 2023, các mô hình Hội quán thuộc các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có lợi thế của các huyện, thành phố. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết kết quả xây dựng mô hình điểm, hàng năm hình thành nhân rộng các Hội quán trên địa bàn các huyện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 

Định hướng đến năm 2030: Vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha; trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Diện tích cây ăn quả đạt khoảng 15.000 ha. Hình thành mới 10 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng trồng dược liệu, thúc đẩy dịch vụ logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến. 

Hình thành và phát triển ít nhất 20 Hội quán trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực dược liệu, cây ăn quả và sản phẩm OCOP, sản phẩm có lợi thế so sánh của địa phương theo chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hiện hành, truy suất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện sản xuất của Hội quán. Trong đó, nâng cấp ít nhất 03 Hội quán được hình thành trong giai đoạn 2022 - 2025 thành Hợp tác xã theo quy định hiện hành. 

Cùng với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể tại Kế hoạch, UBND tỉnh đã đề nghị UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, làm nòng cốt, trong đó Tỉnh đoàn, Hội Nông dân các cấp đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập “Hội quán”, vận động Nhân dân tự nguyện tham gia mô hình “Hội quán”; tham gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng, thành lập mô hình “Hội quán” ở các địa phương. 

Đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hợp tác xã kiểu mới, mô hình “Hội quán” và các mô hình, cách làm hay về phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh để nhân rộng; hỗ trợ biên soạn các bản tin chuyên đề phục vụ các buổi sinh hoạt của Hội quán; Phối hợp định hướng nội dung hỗ trợ cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân về mô hình Hội quán.../.

 

Công Dinh - ipc Kon Tum
Số lượt xem:276

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 31 Số người online:
TNC Phát triển: