banner
Thứ 6, ngày 20 tháng 9 năm 2024
Phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế
27-6-2024

Phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế

Để đưa thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn xa, huyện Đăk Hà đã triển khai nhiều giải pháp không chỉ mở rộng vùng nguyên liệu mà còn đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Để phát triển được thương hiệu cà phê đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu sang thị trường các nước, huyện Đăk Hà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các loại giống mới có chất lượng, năng suất cao do Viện EKMAT tạo giống tuyển chọn có đặc tính ưu việt tạo ra vườn cà phê phát triển đồng đều đối với những vườn cà phê năng suất thấp, thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác, chăm sóc, thu hoạch về chế (thô) cà phê tại hộ gia đình. Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo và vận động nhân dân trồng mới, tái canh cà phê phải theo hướng sản xuất hữu cơ, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, thì trong quá trình sản xuất, chăm sóc phải sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học, hạn chế dần phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhờ vậy, nên đến nay trong tổng diện tích hơn 12.000 ha cà phê của huyện Đăk Hà thì hầu hết đều đã sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh các loại nhằm tạo môi trường, tăng độ phì nhiêu cho đất, phát triển cà phê đảm bảo chất lượng và mang tính bền vững. 

Hàng năm, vào niên vụ cà phê, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch thu hái, sơ chế, chế biến cà phê, điều tiết lao động và tiến hành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để hạn chế việc thu hái cà phê quả xanh, đảm bảo quan điểm “chín đến đâu hái đến đó” nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đi cùng là kiểm tra, giám sát nên những năm qua người dân trên địa bàn thu hái cà phê đạt tỷ lệ quả chín trên 95%.

Bên cạnh đó, huyện còn vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư thiết bị, xây dựng lò sấy cà phê  (tận dụng nguyên liệu phế phẩm trong nông nghiệp, vỏ cà phê để sấy), khuyến khích ứng dụng các mô hình nhà kính trong nông nghiệp để phơi, sấy cà phê tươi, đầu tư nhà xưởng chế biến sản phẩm cà phê thành phẩm, chế biến sâu.

Hiện nay, toàn huyện đã có 12 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm với nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn. Đặc biệt, có 1 sản phẩm cà phê đạt sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia (Cà phê rang xay DAKMARK của Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng). Với nhiều nỗ lực, thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” dần tạo được chỗ đứng. Sau dịch bệnh Covid-19 với nhiều khó khăn nhưng chỉ tính riêng trong năm 2021-2022, các cơ sở ở huyện Đăk Hà đã xuất khẩu được 500 tấn cà phê nhân đi các nước châu Âu và tiêu thụ thị trường trong nước khoảng 335 tấn các sản phẩm từ cà phê bột.

Dù vẫn còn những khó khăn như việc đầu tư công nghệ chế biến cà phê sau thu hoạch của một số doanh nghiệp còn hạn chế, một số hộ gia đình còn phơi sấy cà phê trên nền đất, còn ít đơn vị đăng ký tham gia cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý... nhưng những kết quả đã đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với việc sản phẩm cà phê nhân, cà phê bột thương hiệu Đăk Hà ngày càng phát triển, chất lượng ngày càng  nâng cao, số hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững, cà phê đạt tiêu chuẩn 4C ngày càng nhiều, từng bước đảm bảo chất lượng đạt chuẩn quốc tế, tham gia thị trường xuất khẩu trực tiếp qua nhiều kênh với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa cà phê Đăk Hà vươn xa, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. 

 

 

Thanh Thúy - ipckontum
Số lượt xem:102

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 49 Số người online:
TNC Phát triển: