banner
Thứ 5, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030
2-1-2024

Phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030

Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số 1741/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 (Đề án).

Theo đó, Đề án đề ra mục tiêu chung là nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. 

Mục tiêu cụ thể: (i) Xây dựng được ngân hàng giống quốc gia, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất giống mới có quy mô lớn; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ sinh học và quản lý giống theo hình tháp trong sản xuất giống. (ii) Nâng cấp, hiện đại hóa một số trung tâm giống hiện có và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành giống vật nuôi tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất giống vật nuôi. (iii) Đến năm 2030, nước ta có thể chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất, giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực: đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống lợn, 80% nhu cầu giống gà, 100% nhu cầu giống vịt, 70% nhu cầu giống bò thịt. Nhập khẩu các giống vật nuôi cấp cụ kỵ, ông bà, giống thuần có năng suất cao để làm tươi máu và cải tạo năng suất các giống vật nuôi hiện có. (iv) Tăng cường năng lực cho tối thiểu 6 cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp; tổ chức chọn lọc, nhân giống và sản xuất giống đồng bộ theo hệ thống cấp giống; áp dụng phương pháp quản lý giống vật nuôi theo mô hình thấp giống gắn mã định danh quốc gia đối với các cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học và tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới để sản xuất giống và phát triển chăn nuôi. (v) Khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế vùng miền. (vi) Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo động lực thúc đẩy việc xã hội hóa các hoạt động triển khai công nghiệp sản xuất giống vật nuôi. (vii) Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ ở các địa phương. 

Các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 

Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, tiếp thu nhanh các tiến bộ mới để sản xuất và quản lý giống vật nuôi. 

Kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định chất lượng giống vật nuôi. 

Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ. 

Khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng hàng hóa, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu theo lợi thế vùng miền gắn với du lịch. 

Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, cơ sở lưu giữ và nhân giống vật nuôi. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng giống vật nuôi. 

Đề án cũng xác định danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên, bao gồm: (1) Nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp có khả năng chọn tạo giống có năng suất cao mang thương hiệu Việt Nam. (2) Tổng điều tra xây dựng bản đồ ngân hàng giống vật nuôi bản địa quốc gia để khai thác và phát triển theo lợi thế, đặc trưng vùng miền. (3) Nâng cao năng lực nuôi giữ giống vật nuôi quốc gia đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. (4) Xây dựng và phát triển hệ thống giống bò thịt. (5) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp giống vật nuôi. (6) Nâng cao năng lực kiểm tra năng suất, khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi. (7) Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho mỗi vùng miền của Việt Nam. 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về tính khả thi, hiệu quả của Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nội dung của Đề án với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan không để trùng lặp, chồng chéo với các Đề án, Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức đã và đang triển khai thực hiện. Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, giai đoạn 2023 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 và toàn bộ Đề án. Căn cứ kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Đề án và các dự án ưu tiên theo từng thời kỳ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn./.

 

 

Diệu Linh - Ipckontum
Số lượt xem:169

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 109 Số người online:
TNC Phát triển: