banner
Thứ 2, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Tăng cường triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng
10-4-2024

Tăng cường triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng

Ngày 08/4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 2515/BNN-LN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 

Theo đó, thực hiện Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 (Đề án). Để triển khai thực hiện Đề án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thuộc phạm vi Đề án, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau đây: 

Tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm phát huy các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng. 

Chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ quản lý rừng cần nâng cao chất lượng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai, cụ thể: (i) Đối với rừng đặc dụng: khu vực đại diện cho hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng còn diện tích ít, bị suy giảm về đa dạng sinh học; rừng trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng. (ii) Đối với rừng phòng hộ: diện tích rừng trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn; lưu vực của con sông, hồ lớn, đập thủy điện, thủy lợi; nơi có độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở cao. (iii) Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên: thuộc rừng có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng; ưu tiên đối với khu vực có địa hình dốc, nguy cơ sạt lở cao, lưu vực của sông, hồ, đập thủy điện, thủy lợi. 

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng rừng và triển khai thực hiện, cụ thể: (i) Hướng dẫn các chủ rừng xây dựng dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng rừng để bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. (ii) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng rừng trên cơ sở hướng dẫn tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về biện pháp lâm sinh và Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT. Lựa chọn loài cây trồng rừng để nâng cao chất lượng rừng theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về danh mục loài cây trồng Lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng Lâm nghiệp và Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi, bổ sung bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. (iii) Lựa chọn, xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, tán ... đại diện cho từng loại rừng và điều kiện tự nhiên tại địa phương để làm cơ sở nhân rộng và hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật nâng cao chất lượng rừng. (iv) Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và có có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến diện tích rừng nâng cao chất lượng. Ứng dụng công nghệ tiên tiến theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học. (v) Tổ chức giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật, rà soát diện tích rừng chưa giao, hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, để giao cho chủ rừng quản lý theo quy định của pháp luật. 

Về nguồn vốn thực hiện: Đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện nâng cao chất lượng rừng, bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành thông qua lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 24/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 809/QĐ-TTg, ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình, kế hoạch, dự án về phòng chống thiên tai có liên quan và các Chương trình, đề án, kế hoạch, dự án khác giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030...Huy động nguồn xã hội hóa: nguồn vốn tự có, huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư, nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật. 

Về mức hỗ trợ và định mức: Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn 2015-2020 và các chương trình, dự án, kế hoạch khác có liên quan theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; sau khi Nghị định được ban hành, thì sẽ áp dụng thực hiện theo cơ chế, chính sách mới. Định mức kinh tế - kỹ thuật xác định chi phí thực hiện một số biện pháp lâm sinh, tuần tra bảo vệ rừng thực hiện theo Thông tư số 21/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. 

Chỉ đạo tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại địa phương; báo cáo kết quả định kỳ (hàng năm, giai đoạn 3-5 năm) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án trên địa bàn, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Thị Hạnh - Ipckontum
Số lượt xem:96

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 56 Số người online:
TNC Phát triển: