Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
Ngày 11/12/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4442/UBND-NNTN về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại hạn chế, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo số 17/BC-ĐGS ngày 14/7/2024 và HĐND tỉnh đã nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 11/7/2024.
Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, giấy phép môi trường các dự án đầu tư.
Tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các vấn đề môi trường có thể phát sinh. Tiếp tục rà soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện đầu tư hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định; kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm không để xảy ra các sự cố liên quan đến môi trường.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3595/UBND-NNTN ngày 08/10/2024.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; thúc đẩy các hoạt động phục hồi thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND ngày 22/12/2022 của HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Nâng cao chất lượng đánh giá, thẩm định tiêu chí môi trường trong việc công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, công nhận làng nghề. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, thẩm định chặt chẽ các nội dung liên quan đến tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách.
Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và xử lý chất thải; xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi hoàn thiện các thủ tục pháp lý về môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không có hệ thống xử lý chất thải, công nghệ xử lý chất thải không đạt quy chuẩn môi trường, không bố trí đủ quỹ đất để xây dựng công trình xử lý chất thải, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường.
Giao UBND các huyện, thành phố thực hiện hoàn thành các thủ tục môi trường, đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp đang hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường.
Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 3103/KH-UBND ngày 31/8/2024 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, trong triển khai công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu chăn nuôi tập trung, các hộ chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Kiểm tra, rà soát các vị trí đổ thải trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đổ thải lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, gây nguy cơ gây ngập úng./.