Triển khai Đề án phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030
Ngày 07/10/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3573/UBND-NNTN về việc triển khai Đề án phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động chăn nuôi, điều kiện về chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, Nghị định, Thông tư liên quan đến Luật Chăn nuôi.
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị, địa phương có liên quan đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất để phát triển ngành nuôi Ong.
Chủ trì, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; chỉ đạo, thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh.
Bố trí kinh phí hỗ trợ các mô hình phát triển chăn nuôi ong mật tại các địa phương có điều kiện, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi Ong.
Tăng cường các hoạt động quản lý của nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật Ong và các sản phẩm khác từ Ong mật.
Giao UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, thông tin, phổ biến sâu rộng nội dung của Đề án phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030 đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa phương.
Căn cứ nhu cầu thực tế của địa phương, triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030; bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030. Chủ động bố trí kinh phí ngân sách huyện để thực hiện theo phân cấp ngân sách.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn hằng năm rà soát, hướng dẫn người sản xuất thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật nuôi Ong đảm bảo hiệu quả kinh tế, ổn định sinh kế.
Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi Ong theo chuỗi giá trị, hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại hóa sản phẩm.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền lợi ích của nghề nuôi Ong thông qua hoạt động thụ phấn cho cây trồng và sản phẩm Ong. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi Ong di chuyển đàn đến các vùng trồng tập trung cây thức ăn cho Ong mật.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... tham gia đầu tư phát triển ngành Ong tại địa phương./.