Chấn chỉnh, tăng cường công tác tham mưu trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 02/10/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3313/UBND-NC về việc thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ và chấn chỉnh, tăng cường công tác tham mưu trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
Quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ; Chương trình hành động số 59-CTr/TU ngày 15/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum và Kế hoạch số 2888/KH-UBND ngày 05/9/2023 của UBND tỉnh.
Nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; gắn kết việc xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo công tác tham mưu xây dựng; xây dựng, hoàn thiện pháp luật của đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác tham mưu xây dựng, xây dựng, hoàn thiện pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu.
Gắn công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành pháp luật; công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Tích cực nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, UBND, các Điều ước quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời tham mưu ban hành, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Chủ động báo cáo, xin ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định tại các văn bản của Đảng về những chính sách quan trọng, những định hướng lớn trong dự án, dự thảo văn bản. Tổ chức thi hành tốt các văn bản sau khi đã được ban hành.
Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trong quá trình xây dựng, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách” trong xây dựng, ban hành văn bản. Bố trí công chức làm công tác pháp chế trong biên chế được giao, sắp xếp, bố trí công chức hợp lý để thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cử công chức tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ưu tiên bố trí các nguồn lực phục vụ cho công tác rà soát, kiểm tra, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Thực hiện đúng, đầy đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đăng tải đầy đủ hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên Trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo, Cổng thông tin điện tử của tỉnh để lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản (trừ trường hợp hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc dự thảo có nội dung thuộc bí mật nhà nước).
Huy động tối đa sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Tổ chức việc lấy ý kiến tham gia, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thực chất các ý kiến góp ý để bảo đảm tính khả thi của văn bản. Chú trọng đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật. Chấm dứt tình trạng khi dự thảo đã được gửi lấy ý kiến, các cơ quan, đơn vị, địa phương không có ý kiến hoặc nhất trí với dự thảo, nhưng sau khi văn bản được ban hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh vướng mắc, bất cập trong thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để kịp thời kiến nghị đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật ở địa phương. Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc không kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý hoặc chậm xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với quy định của Trung ương; không bảo đảm tính khả thi, cản trở điều kiện đầu tư, kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Không ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật trái quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tránh tình trạng do yêu cầu về thời gian nên xin áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn mà không thuộc các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn; tăng cường kiểm soát việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Chi tiết Văn bản xem tại đây!