Tại buổi gặp gỡ báo chí, Bộ trưởng Christine Antorini cho biết bà đã có những cuộc gặp hiệu quả đem lại ấn tượng tốt về Việt Nam – một xã hội năng động đang phát triển nhanh. Đồng thời những cuộc gặp cũng đề cập đến giải pháp làm thế nào để thiết lập mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong giáo dục…
Theo bà Christine Antorini, trong suốt thời gian qua hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Đan Mạch đã được thiết lập thành công với sự tham gia của các cơ sở giáo dục Đan Mạch và đối tác Việt Nam. Điển hình là dự án phát triển chương trình giảng dạy với sự tham gia của Đại học Aarhus. Hay dự án đang tiến triển giữa Trường kinh doanh Niels Brock Copenhagen và Đại học Zealand với các đối tác Việt Nam (theo thứ tự lần lượt) là Đại học Ngoại thương và Đại học Dược Hà Nội.
Ngoài ra, còn một số các dự án đang được hình thành, trong đó bao gồm ý tưởng hỗ trợ các Công ty Đan Mạch tại Việt Nam trong nỗ lực nâng cao kỹ năng và hiệu suất làm việc cho các nhân viên của công ty. Một dự án thí điểm đầy hứa hẹn đang được khởi động với sự tham gia của một số Công ty Đan mạch hoạt động tại Việt Nam như Esoftflow, ColorClub và các công ty khác trong lĩnh vực đồ họa tại Việt Nam.
“Giáo dục đang ngày càng trở nên một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa hai nước chúng ta. Sự cam kết ở cấp nhà nước nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục là rất quan trọng, nhưng bản thân như vậy là chưa đủ. Cần có những con người và những cơ quan, tổ chức, với khát vọng và sự can đảm để biến điều đó thành hiện thực”, bà Christine Antorini chia sẻ.
Được biết, buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch nằm trong chuyến thăm chuyến thức đến Việt Nam. Mục đích chính của chuyến thăm là để củng cố hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Đan Mạch ở cấp độ chính phủ đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối và hợp tác cụ thể giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và Đan Mạch. Đi cùng Bộ trưởng là phái đoàn giáo dục gồm gần 20 đại diện đến từ các cơ sở giáo dục Đan Mạch.
Trong chuyến thăm Việt Nam, bà Christine Antorini đã tham dự lễ khai mạc Diễn đàn Giáo dục Việt Nam –Đan Mạch tại Hà Nội và TP.HCM với nội dung đề cập đến các thách thức về giáo dục, về thị trường việc làm và các giải pháp cũng như thế mạnh của Đan Mạch. Chương trình hoạt động của bà cũng bao gồm chuyến thăm tại trường trung học phổ thông và tham gia hội chợ việc làm.
Kể từ năm 1994, Đan Mạch đã hỗ trợ phát triển Việt Nam với khoản tiền hơn 1,3 tỷ USD. Thông qua sự hỗ trợ này, Đan Mạch đã đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ bao gồm sự tăng trưởng về kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam. Trong năm 2014-2015 Đan Mạch sẽ giải ngân 90 triệu USD viện trợ không hoàn lại dành cho Việt Nam. Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Đan Mạch là đất nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam trong số các quốc gia thành viên cộng đồng châu Âu. Số tiền viện trợ không hoàn lại của Đan Mạch chiếm gần 25% tổng số tiền viện trợ không hoàn lại của cộng đồng châu Âu
|
Thùy Dương