Xây dựng thể chế quản lý AI tại Việt Nam
Ngày 18/6/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4232/VPCP-KSTT gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xây dựng thể chế quản lý AI tại Việt Nam.
Theo kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Báo cáo số 89/BC-BTTTT ngày 24 tháng 5 năm 2024 về đề xuất xây dựng thể chế quản lý Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương như sau:
Đẩy mạnh tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan lĩnh vực AI thời gian qua.
Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Kế hoạch/Chiến lược dữ liệu của riêng bộ, ngành, địa phương hoặc lồng ghép các nội dung về chiến lược phát triển dữ liệu và ứng dụng AI trong các đề án, kế hoạch về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ với Chiến lược dữ liệu quốc gia (Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030) và phù hợp với điều kiện, nhu cầu, định hướng phát triển của bộ, ngành, địa phương; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và các vấn đề vượt thẩm quyền, yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy tắc đạo đức về AI, khung quản trị AI, khung thẩm định, đánh giá sản phẩm AI và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI, trước mắt tập trung vào các vấn đề về quản lý rủi ro, các trường hợp sử dụng, quản trị sử dụng và hướng dẫn đánh giá./.