Trong những năm qua, hoạt động thương mại biên giới chủ yếu với các tỉnh Nam Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Chỉ phát sinh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch bao gồm xuất khẩu kinh doanh, xuất khẩu tái nhập, nhập khẩu kinh doanh, nhập khẩu tái xuất và quá cảnh. Không phát sinh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiểu ngạch.
Tại khu vực các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vì chưa đáp ứng đủ các điều kiện hạ tầng kỹ thuật theo quy định do đó không phát sinh hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ Quốc tế.
Về thực trạng hoạt động thương mại biên giới từ năm 2020 đến nay
Hoạt động thương mại biên giới chủ yếu giao thương với Lào qua cửa khẩu Bờ Y: Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa qua lại biên giới nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước. Tích cực triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, thực hiện những thỏa thuận về tạo thuận lợi cho thương mại, đẩy mạnh hợp tác trao đổi, mua bán hàng hóa giữa hai nước nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Lào cũng thuận lợi.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 73,1 triệu USD tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019 (67,9 triệu USD); kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 85,8 triệu USD tăng 18% so với năm 2020. Hoạt động xuất khẩu qua Lào chủ yếu là các mặt hàng như sắt thép, vật tư, xi măng, vôi sống, phân bón, hàng bách hóa, cây giống, máy móc thiết bị,..
Hiện nay, tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa có đủ lực lượng chức năng như Hải quan, kiểm dịch,… do đó hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân qua biên giới không đáng kể, số lượng rất ít, chủ yếu là trao đổi một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của cư dân biên giới qua các cửa khẩu phụ: Đăk Long, Đăk Blô.
Thuận lợi
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại biên giới ngày càng được hoàn thiện, đời sống nhân dân hai Bên biên giới từng bước được cải thiện, nhận thức về biên giới quốc gia, nắm quy định pháp luật xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi của cư dân biên giới ngày càng được nâng lên.
Thời gian qua, Việt Nam và CHDCND Lào đã tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi về thủ tục hải quan, biên phòng, kiểm dịch cho các tổ chức, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Với chính sách ưu đãi, nhiều mặt hàng buôn bán giữa hai nước được hưởng thuế suất 0% tạo điều kiện cho các thương nhân, thương nhân biên giới, hành khách và phương tiện qua lại cửa khẩu quốc tế Bờ Y được thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển.
Các cơ quan, lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã phối hợp triển khai thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và phương tiện qua lại cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Hải quan cửa khẩu quốc tế tế Bờ Y đã triển khai thủ tục hải quan điện tử theo lộ trình cải cách và hiện đại hóa ngành hải quan, qua đó giảm thiểu thời gian thông quan và chi phí cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đã triển khai nhiều nội dung hợp tác về đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum và các doanh nghiệp các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia tìm hiểu, hợp tác, đầu tư, sản xuất kinh doanh, trao đổi thương mại hai chiều trong thời gian tới.
Các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ tại cửa khẩu được nhà nước và doanh nghiệp quan tâm đầu tư ngày càng gia tăng cả về qui mô và loại hình.
Tại Khu I, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đã xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ như Chợ cửa khẩu1, Kho ngoại quan (8.000m2), Khu Siêu thị miễn thuế (3 cửa hàng miễn thuế), Trung tâm thương mại dịch vụ cửa khẩu2, Địa điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu3, Siêu thị mini... Ngoài các dự án phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, tại cửa khẩu còn có các dịch vụ hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới như dịch vụ thu đổi ngoại tệ (03 quầy thu đổi ngoại tệ hoạt động theo qui định của Nhà nước), dịch vụ tư vấn hỗ trợ kê khai thủ tục hải quan, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ lưu trú, cửa hàng xăng dầu,....
Hệ thống đường giao thông kết nối với các tỉnh biên giới của Lào, Campuchia trong những năm gần đây được quan tâm, đầu tư nâng cấp nên việc vận chuyển hàng hóa cũng thuận lợi hơn.
Một số khó khăn, vướng mắc
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên các hoạt động xuất khẩu cũng gặp khá nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động thương mại giữa các bên.
Hoạt động thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu của Kon Tum với các tỉnh nước Lào vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đôi bên. Hàng hóa xuất nhâp̣ khẩu chưa phong phú, đa dạng. Cơ sở hạ tầng vùng biên giới, dịch vụ hỗ trợ thương mại được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đời sống kinh tế - xã hội của người dân vùng giáp ranh hai bên cửa khẩu Việt – Lào, Việt Nam - Campuchia còn khó khăn, dân cư thưa thớt, nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới còn thấp.
Hiện nay, tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y chưa có chợ biên giới, do vậy khó khăn trong việc thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển thương mại cư dân biên giới hai nước. Các dịch vụ hỗ trợ thương mại, đặc biệt là dịch vụ Logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn nhỏ lẻ, manh mún chưa mang lại hiệu quả cao cho hoạt động thương mại biên giới.
Tuyến biên giới Kon Tum tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri dài 138,691 km nhưng hiện tại chỉ có 01 cửa khẩu phụ Đắk Kôi (gần mốc ngã 3 biên giới) do Việt Nam đơn phương mở, trên thực tế cửa khẩu này không diễn ra các hoạt động qua lại biên giới và mua bán trao đổi của cư dân biên giới.
Cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn. Do các hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng qua biên giới hạn chế nên hiện tại ở các cửa khẩu phụ Đắk Blô, Đắk Long, Đắk Kôi chưa bố trí đầy đủ các lực lượng kiểm soát chuyên ngành theo dây chuyền kiểm soát xuất nhập cảnh quy định tại khoản 2, Điều 15, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, mới chỉ bố trí các Trạm Kiểm soát Biên phòng để kiểm soát hoạt động qua lại biên giới. Từ tháng 3/2020 đến nay thực hiện chủ trương của Chính phủ tạm dừng các hoạt động XNC và trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu phụ của cư dân biên giới để phòng chống dịch Covid-19 nên không có hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới.
Được biết hiện nay, Sở Công Thương đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về các định hướng, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu theo hình thức thương mại chính ngạch, đồng thời kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vướng mắc, phát sinh của Hiệp định song phương để tạo điều kiện cho các thương nhân tiến hành các hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư, mua bán trao đổi hàng hóa.