banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
“Hẹn nhau giữa đại ngàn Tây Nguyên”
27-10-2022

“Hẹn nhau giữa đại ngàn Tây Nguyên” là chủ đề Chương trình biểu diễn Áo dài và thời trang Thổ cẩm Tây Nguyên, được UBND huyện Kon Plông phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và 9 nhà thiết kế nổi tiếng trong cả nước tổ chức tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông trong 2 ngày 29-30/10. 

Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên sẽ được tổ chức tại hai địa điểm là thác Pa Sỹ và ngay trong rừng thông bên đường Hùng Vương, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông – Nơi được mệnh danh là “Nàng thơ của Kon Tum”.  Trong đó, 15h ngày 29/10 tại thác Pa Sỹ là Chương trình Áo dài Thổ cẩm Tây Nguyên và 15h ngày 30/10 tại rừng thông bên đường Hùng Vương à Chương trình Thổ cẩm Tây Nguyên. 

Tham gia trình diễn tại sự kiện có 100 diễn viên không chuyên người dân tộc thiểu số và 40 nghệ sỹ, diễn viên, người mẫu sẽ diễn đạt câu chuyện thổ cẩm dệt bằng sợi tơ của Bảo Lộc (Lâm Đồng) giữa rừng núi đại ngàn Tây Nguyên, nơi được mệnh danh là Nàng thơ của Kon Tum với 200 mẫu áo dài, thời trang thổ cẩm do nghệ nhân Y Thoai dệt, được nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh và các cộng sự là các nhà thiết kế Cao Minh Tiền, Trung Beret, Công Huân Cao Duy, Nguyễn Thủy thiết kế, kế sinh động và phù hợp với khuynh hướng thời trang hiện nay. 

Đây là một trong nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913- 9/2/2023) nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp, giá trị thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, mang lại sắc thái mới cho thổ cẩm, phát triển nghề dệt và đẽo tượng gỗ. 

Không gian biểu diễn chính của Chương trình biểu diễn Áo dài và thời trang Thổ cẩm Tây Nguyên là xung quanh lòng hồ thác Pa Sỹ. Những nghệ nhân dệt và đẽo tượng sẽ là những diễn viên chân thật nhất. Lần đầu tiên, áo dài trên nền vải thổ cẩm sẽ xuất hiện tại thác Pa Sỹ, sẽ là sự kết hợp độc đáo của những kiệt tác thiên nhiên và con người. 

Lần đầu tiên một chương trình thời trang thổ cẩm được thực hiện ngay trên sân khấu là thác Pa Sỹ hùng vỹ và rừng thông thư mộng. Một sân khấu thực cảnh nguyên sơ sẽ nói lên được vẻ đẹp đầy hấp lực của Măng Đen – Kon Plông – Kon Tum. Viên ngọc thô sơ sẽ toả sáng bởi những giá trị văn hoá vốn có. 

Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Đây là hoạt động văn hóa nhằm gìn giữ và bảo tồn thổ cẩm Tây Nguyên nói chung và nét đẹp của thổ cẩm của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng. Là sản phẩm vải độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, Ba Na, Cờ Ho, Xơ Đăng... Mỗi dân tộc họa tiết thổ cầm sẽ khác nhau, cách phối màu cũng không giống nhau... Đặc trưng vải thổ cẩm sẽ có những họa tiết như chim, ba ba, cồng chiêng, ngà voi với sự pha trộn màu sắc đa dạng. Với người Tây Nguyên, vải thổ cẩm nền đen đại diện cho đất đai; gam màu đỏ thể hiện sự đam mê và tình yêu; gam màu vàng tượng trưng cho ánh sáng, con người và thiên nhiên. Nó cũng là cách thức tuyệt vời để lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. 

Trao đổi với phóng viên báo chí trước khi sự kiện diễn ra, Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh cho biết, đây là tâm huyết, là tấm lòng của nhà thiết kế cùng các cộng sự đối với thổ cẩm Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Tôi chỉ muốn thể hiện một vẻ đẹp khác mà mọi người chưa hề thấy được và tôi chỉ là người kích hoạt và mong muốn mọi người sẽ thấy nhiều hơn vẻ đẹp khác bằng chính tấm lòng của chúng tôi. Chúng tôi không đi làm show, không đi làm sự kiện để kiếm tiền, mà muốn làm một việc lớn hơn, đó là chứng minh được giá trị của bản sắc, giá trị của truyền thống, chỉ thế thôi. 

Được ví là “Nàng thơ của Kon Tum”, Măng Đen là thiên đường sinh thái, có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, có khí hậu ôn đới nên quanh năm mát mẻ. Được rừng nguyên sinh bao bọc, khi hậu ôn hoà nên ở đây có khá nhiều hệ động thực vật sinh sống. 

Măng Đen - Kon Plông là một trong những địa phương mà các giá trị về thiên nhiên và văn hóa con người được giữ gìn nguyên vẹn. Được xem như là nơi cung cấp bầu khí quyển trong lành, là hành lang kết nối duy nhất giữ các khu vực phía Nam và phía Đông của dãy Trường Sơn, nơi có nhiều nhóm dân tộc như H're, Xê Đăng, Mơ Nâm và K’dong sinh sống. 

Thác Pa Sỹ được ví như nàng tiên giữa đại ngàn Tây Nguyên. Ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, cái lạnh nhè nhẹ và không khí trong lành. Con đường tới thác là lối đi giữa rừng nguyên sinh. Ở nơi đây, vườn tượng gỗ với hơn 100 bức tượng được làm nên từ các bàn tay nghệ nhân người bản địa vẫn bền bỉ cùng mưa nắng. Các tượng gỗ mang đủ mọi sắc thái, tái hiện sinh động và chân thực đời sống văn hóa của các dân tộc người địa phương … 

Thổ cẩm là nghề dệt truyền thống của nhóm người dân tộc tại đây, nghề dệt đã bị mai một rất nhiều vì hàng ngày những người phụ nữ phải vào rừng kiếm nguồn thực phẩm để sinh sống. Tuy vậy với họ vẫn giữ ước mơ và nỗ lực làm sao thổ cầm được phát triển và khôi phục giá trị văn hoá đặc sắc này. Với những người đàn ông dân tộc thiểu số tại Kon Plông – Kon Tum, họ có nghề đẽo tượng gỗ rất độc đáo; khắp nơi tại những con đường làng dẫn vào trung tâm huyện Kon Plông, những tượng gỗ sừng sững như một lời chào đón nồng nhiệt du khách đến với Kon Plông - Măng Đen. 

Tin tưởng, hoạt động này sẽ mang lại sắc thái mới cho thổ cẩm, phát triển nghề dệt và đẽo tượng gỗ dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung; đồng thời, thu hút khách du lịch đến và khám phá miền đất mới với nhiều giá trị tiềm ẩn./.

 

Công Dinh - ipc Kon Tum
Số lượt xem:308

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 40 Số người online:
TNC Phát triển: