Tình hình đầu tư nước ngoài năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024
Thu hút ĐTNN năm 2023 đạt kết quả ấn tượng cả về vốn giải ngân cũng như vốn đăng ký. Vốn ĐTNN giải ngân đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn ĐTNN đăng ký đạt gần 39,4 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2022.
Kết quả đầu tư nước ngoài năm 2023
Năm 2023 và 2024 tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cả pháp lý cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất kinh doanh.
Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện mạnh mẽ và thông thoáng; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được nâng lên; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, đứng thứ 32/100 thương hiệu quốc gia trên thế giới. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố, tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ĐTNN đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, đồng thời nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao năm 2023 của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập. Trong đó, nội dung tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn.
Năm 2023, các Bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác XTĐT theo hướng chuyên nghiệp, thực chất, hiệu quả, chủ động có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm và tầm nhìn dài hạn. Chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác XTĐT tại chỗ. Chủ động trong nghiên cứu, xây dựng kế hoạch gặp gỡ, làm việc với các Tập đoàn lớn, các nhà đầu tư tiềm năng để giới thiệu, quảng bá và thu hút đầu tư, tập trung vào một số ngành ưu tiên có giá trị gia tăng cao như phát triển sản phẩm điện tử, bán dẫn, công nghiệp dịch vụ CNTT, .... Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Nhiều địa phương trên cả nước tiếp tục rà soát, cơ cấu lại hệ thống các cơ quan XTĐT hiện có theo hướng chuyên nghiệp, độc lập, không chồng chéo. Tăng cường gắn kết với xúc tiến thương mại và du lịch một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và đặc thù của từng địa phương. Nhờ đó, thu hút ĐTNN năm 2023 đạt kết quả ấn tượng cả về vốn giải ngân cũng như vốn đăng ký.
Vốn ĐTNN giải ngân đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn ĐTNN đăng ký đạt gần 39,4 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2022.
Trong đó có các đặc điểm nổi bật như:
Đầu tư mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư cũng như số dự án đầu tư mới, với sự cải thiện đáng kể về chất lượng của các dự án, tập trung phần lớn trong ngành công nghiệp chế biển, chế tạo. Nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ,. . .phù hợp với Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhiều dự án hiện hữu trong lĩnh vực điện tử thực hiện điều chỉnh tăng vốn quy mô lớn, thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Đầu tư theo hình thức M&A tuy giảm tổng giá trị vốn góp, song tăng quy mô bình quân mỗi giao dịch so với cùng kỳ.
Khu vực ĐTNN đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2023.
Đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 18,3 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng thu ngân sách nhà nước.
Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực ĐTNN năm 2023 đạt hơn 259,1 tỷ USD, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, xuất siêu gần 50,1 tỷ USD kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 21,8 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Nhiều dự án đầu tư mới cũng như một loạt các dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn trong lĩnh vực điện tử trong năm 2023, đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam.
Về kết quả ĐTNN 5 tháng đầu năm 2024
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì kết quả thu hút ĐTNN khá tích cực: vốn đầu tư thực hiện ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 11.07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó ghi nhận đầu tư mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư cũng như số dự án mới.
Nhiều dự án đầu tư lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 05 tháng.
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN 05 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Khu vực này cũng xuất siêu 19,57 tỷ USD kể cả dầu thô, trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 11,05 tỷ USD.
Có thể nói, thu hút ĐTNN vào Việt Nam năm 2023 đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội trong bối cảnh dòng vốn ĐTNN vào các nền kinh tế đang phát triển và khu vực Châu á giảm. So với các nước trong khu vực ASEAN thì ĐTNN vào Việt Nam năm 2023 cao hơn các nước có nền kinh tế tương đồng hoặc thấp hơn (Thái Lan, Indonesia và các nước còn lại), chỉ thấp hơn Singapore và Malaysia.
Chất lượng dòng vốn ĐTNN được cải thiện, phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN và mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Khu vực ĐTNN có vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong tổng vốn đầu tư xã hội (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), tạo thêm xung lực, là nhân tố quan trọng góp phần phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam; tạo việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước. Có thể coi khu vực ĐTNN là “cứu cánh” trong bối cảnh hoạt động đầu tư trong nước chưa được sôi động như kỳ vọng.
Vị thế của Việt Nam trên bản đồ quốc tế về thu hút ĐTNN được nâng cao. Nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới dành sự quan tâm đến Việt Nam. Một số tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron, Nike,... Nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor, Apple, Nvidia,... Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu./.