Phân loại rác thải từ nguồn là một trong những việc làm hết sức cần thiết, góp phần giảm lượng chất thải rắn đổ về các bãi rác, từ đó hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Sau những lần thí điểm và các đợt tuyên truyền, vận động, lần đầu tiên, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở tỉnh ta đã được “luật hóa” tại Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng- Khoản 2, Điều 4, Quy định về quản lý chất thải mới được ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh nêu rõ.
Trên thực tế việc thí điểm phân loại rác tại nguồn được triển khai trên địa bàn tỉnh cách đây hơn 10 năm. Theo đó, từ cuối năm 2012, mô hình “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” do Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên Hiệp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP) và Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tài trợ được triển khai thí điểm tại 1.500 hộ gia đình ở 8 tổ dân phố thuộc 3 phường nội thành là Quang Trung, Thắng Lợi, Duy Tân.
Khi ấy, cán bộ phường đi từng nhà vận động, kêu gọi thực hiện mô hình phân loại rác tại nhà. Mỗi hộ dân gia đình tham gia mô hình được hướng dẫn bỏ các chất thải hữu cơ (như rác thực phẩm, cỏ và lá cây, khăn giấy, giấy vệ sinh) vào một túi.
Các chất thải vô cơ tái chế được (như nhựa các loại, giấy báo, thùng các-tông, hộp giấy, vỏ lon nước ngọt hay bia, ni-lông) đựng riêng một túi. Tốt nhất là sắm 2 thùng rác có 2 màu khác nhau để dễ phân biệt.
Khi ấy, nhiều gia đình đã hào hứng thực hiện mô hình. Tuy nhiên, sau những đánh giá lạc quan ban đầu, mô hình dần rơi vào quên lãng, việc phân loại rác tại nguồn chỉ còn là... ký ức của người dân.
Giờ đây gặp lại các hộ dân tại các phường đã triển khai mô hình này, vẫn có người mang cảm giác nuối tiếc về một mô hình dang dở.
Anh Nguyễn Chính Vũ (phường Quang Trung) nhớ lại: Tham gia mô hình, tôi được phát 2 thùng rác sơn màu xanh và màu vàng để phân loại rác. Nhưng sau đó thấy “phiền phức và mất thời gian” hơn việc bỏ chung một túi rác nên thôi. Các gia đình khác cũng vậy, dần dần mô hình… biến mất.
Đến nay, hầu hết các hộ gia đình đều có chung một cách “ứng xử” chung với rác thải sinh hoạt. Đó là bỏ chung tất cả các loại rác thải, từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) vào một bì nilon, hoặc túi, sau đó tập kết vào các thùng rác cỡ lớn.
Thậm chí, khi được hỏi về chuyện phân loại rác ngay từ nhà mình, nhiều người tỏ ra thờ ơ, hoặc bất ngờ.
Phân loại rác ngày từ nhà mình ấy à? Sao lại phải phiền phức và mất thời gian như vậy, trong khi chỉ cần một túi đựng rác. Hơn nữa, chúng tôi có phân loại rác hữu cơ rồi thì rồi khi thu gom, công nhân môi trường cũng đổ chung vào một xe, đem lên bãi rác chôn lấp như các loại rác thải khác mà thôi- một người phụ nữ đã nói như vậy.
Từ câu chuyện này hé lộ một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thí điểm phân loại rác tại nguồn “chết yểu”. Đó là ngay cả đơn vị thu gom rác cũng chưa có cách “ứng xử” đúng với rác thải sinh hoạt đã được phân loại, dẫn đến người dân cảm thấy không cần thiết phải làm việc này.
Không thể phủ nhận ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Nếu được thực hiện tốt, phân loại tại nguồn đúng nghĩa (tức là phân ra rác hữu cơ, rác vô cơ) sẽ góp phần giảm lượng chất thải sinh hoạt dồn về các bãi rác, từ đó hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Việc UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn cho thấy cách “ứng xử” hợp lý hơn với rác thải.
Tất nhiên, để triển khai phân loại rác tại nguồn lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Ý thức của người dân trong việc thu gom rác; đầu tư thùng rác và xe rác chuyên dùng; xây dựng nhà máy xử lý các loại rác (chế biến rác hữu cơ thành phân bón).
Cho nên, cần xác định rằng đây là việc làm liên tục, lâu dài. Kinh nghiệm của các đô thị khác cho thấy, không có nơi nào thành công trong quản lý chất thải sinh hoạt nếu không có sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.
Vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng càng phải được chú trọng, mang tính liên tục và lâu dài, trong đó, phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh.
Song song với đó là khâu xử lý rác. Như đã nói ở trên, không thể vận động người dân phân loại rác tại nguồn nhưng sau đó lại dồn hết vào một xe, rồi chở về bãi rác chôn lấp chung. Việc đầu tư, xây dựng một nhà máy xử lý, chế biến rác là rất cần thiết.
Đáng mừng là hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác, như Nhà máy xử lý và tái chế rác thải của Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum (thành phố Kon Tum); Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường DH (huyện Đăk Hà); dự án Nhà máy liên hợp xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường An Thiện (huyện Ngọc Hồi).
Chính quyền cũng khuyến khích đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại; ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý có thu hồi năng lượng và thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt nhằm giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.