Công tác quy hoạch được tỉnh đặc biệt chú trọng và xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị.
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Kon Tum đã được UBND tỉnh trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh theo quy định. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã ban hành Kế hoạch thẩm định Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Kon Tum vào ngày 11/4/2023 vừa qua. Hiện đang hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Kon Tum trên cơ sở ý kiến của các Ủy viên phản biện, các chuyên gia và Nhà khoa học.
Đối với Quy hoạch xây dựng, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung xây dựng xã, hiện nay, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng huyện trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung xây dựng xã.
UBND tỉnh cũng đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2025, UBND tỉnh đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được thì công tác lập quy hoạch tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tiến độ lập Quy hoạch tỉnh chưa đạt như kế hoạch dự kiến; đây là lần đầu thực hiện công tác lập Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, các văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể nên gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, nhất là về việc hướng dẫn tích hợp các nội dung đề xuất quản lý ngành và địa phương vào quy hoạch tỉnh.
Hiện tại khó khăn lớn nhất đối với tỉnh trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh là việc xây dựng Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022.
Cụ thể, đối với chỉ tiêu đất phi nông nghiệp: Hiện trạng năm 2020 toàn tỉnh có 56.063 ha; chỉ tiêu do quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 69.390 ha, tăng 13.677 ha. Trong đó, các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ cứng, gồm: đất quốc phòng, an ninh, đất khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng, đất di tích lịch sử văn hóa… tăng khoảng 9.881 ha.
Các chỉ tiêu đất phi nông nghiệp còn lại tỉnh xác định, gồm đất cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, đất khoáng sản, khu vui chơi giải trí, đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị… tăng khoảng 3.446 ha. Chỉ tiêu sử dụng đất an ninh quốc gia phân bổ cho tỉnh đến năm 2030 là 121 ha (tăng 28 ha so với năm 2020), theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Dự thảo lần 2) do Bộ Công an lập thì chỉ tiêu đất an ninh đến năm 2030 là 202,2558 ha.
Đối với chỉ tiêu đất nông nghiệp: Hiện trạng năm 2020 toàn tỉnh có 902.391 ha; chỉ tiêu do quốc gia phân bổ đến năm 2030 là 895.245 ha, giảm 7.146 ha. Trong đó, các chỉ tiêu sử dụng đất cứng quốc gia phân bổ là đất rừng phòng hộ tăng 1.000 ha; đất rừng đặc dụng tăng 3.938 ha; đất rừng sản xuất tăng 34.075 ha so với hiện trạng.
Tuy nhiên, các công trình dự án cần thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, đất phát triển hạ tầng, đất ở…) chủ yếu sử dụng vào đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm và đất trồng rừng sản xuất, do vậy việc bị giới hạn chỉ tiêu đất trồng rừng sản xuất tăng cao so với hiện trạng năm 2020 đã ảnh hưởng đến việc bố trí quỹ đất thực hiện các công trình, dự án theo các chỉ tiêu sử dụng đất trên.
Đối với chỉ tiêu đất khu kinh tế: Diện tích phân bổ đến năm 2030 là 70.438 ha (xác định theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 08/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y). Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện, đến nay việc phát triển Khu Kinh tế còn chậm so với mục tiêu đề ra, một số chỉ tiêu theo quy hoạch chưa đạt được, nhiều nội dung quy hoạch không còn phù hợp, trong khi đó diện tích Khu Kinh tế chiếm gần như trọn huyện Ngọc Hồi nên gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư vào phát triển huyện.
Nhằm đẩy nhanh công tác thẩm định và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh, làm cơ sở để trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2025 và lập các quy hoạch xây dựng đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ, tránh xảy ra mâu thuẫn buộc phải điều chỉnh, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh) đôn đốc các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định sớm có ý kiến đối với Quy hoạch tỉnh; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế của địa phương.