Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tính tăng 17,12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 60,36% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh quý II/ 2023 ước tính đạt 6.391,92 tỷ đồng, tăng 13,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 1.337,05 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ và chiếm 20,92% trong tổng nguồn vốn; Vốn ngoài nhà nước đạt 5.053,07 tỷ đồng, tăng 19,19% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 79,05% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ đồng, chiếm 0,03% trong tổng nguồn vốn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 12.442 tỷ đồng, tăng 17,12% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm:
Vốn Nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 2.462,51 tỷ đồng, tăng 0,63% so với cùng kỳ và chiếm 19,79% trong tổng số nguồn vốn, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước do trung ương quản lý đạt 631,09 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.831,42 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, môi trường nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn...
Vốn ngoài Nhà nước đạt 9.977 tỷ đồng tăng 22,19% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 80,19% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt: 6.262,04 tỷ đồng, vốn đầu tư của các hộ gia đình đạt 3.715,18 tỷ đồng chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi, trồng trọt...
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ đồng, chiếm 0,01% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua xây dựng cơ bản, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó, tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 cũng tăng mạnh.
Trong đó, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.716,2 tỷ đồng, tăng 60,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra:
Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.213,01 tỷ đồng tăng 52,27% so với cùng kỳ và chiếm 70,68% trong tổng số nguồn vốn, Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách tỉnh đạt 451,42 tỷ đồng, chiếm 26,3%; Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 697,53 tỷ đồng, chiếm 40,64%; Vốn ODA đạt 16,85 tỷ đồng, chiếm 0,98%; Vốn Xổ số kiến thiết đạt 19,17 tỷ đồng, chiếm 1,12%; Vốn khác đạt 28,08 tỷ đồng, chiếm 1,64% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh.
Vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 503,15 tỷ đồng, tăng 83,90% so với cùng kỳ và chiếm 29,32% trong tổng số nguồn vốn, Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách huyện đạt 212,65 tỷ đồng chiếm 42,26%; Vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 290,49 tỷ đồng, chiếm 57,74%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt; công trình giáo dục; y tế... Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước là do các Sở ban ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tháo gở khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư./.