Chuyển đổi số quốc gia tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, công cuộc chuyển đổi số quốc gia tiếp tục ghi nhận những bước tiến đáng kể trong tháng 7/2024. Các chỉ số quan trọng phản ánh sự phát triển toàn diện trên nhiều mặt của quá trình chuyển đổi số.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã đạt 43%. Đây là kết quả của nỗ lực số hóa và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính của các bộ ngành, địa phương.
Về xây dựng Chính phủ điện tử, 89,35% hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng. 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Về phát triển kinh tế số, tốc độ tăng trưởng so với năm 2022 đạt kết quả ấn tượng: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, thương mại điện tử tăng 11%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp.
Về xã hội số, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt 87,08%, tăng 20% so với năm 2020. Đến tháng 12/2023, đã có 45,4 triệu tài khoản định danh điện tử được kích hoạt trên toàn quốc.
Về an toàn thông tin, 76,5% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn, tăng 11,5% so với năm 2023. 56,5% hệ thống đã được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin, tăng 26,5% so với năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là chất lượng dịch vụ công trực tuyến chưa đồng đều, việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin còn hạn chế, tỷ lệ người dân có chữ ký số chưa đạt mục tiêu đề ra.
Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất các bộ ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tăng cường kết nối chia sẻ dữ liệu, đẩy mạnh phát triển kinh tế số và xã hội số, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm 2024, tỉnh Kon Tum cần tận dụng cơ hội, tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của địa phương; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, tối ưu hóa quy trình xử lý; tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; phát triển các ứng dụng số phục vụ người dân; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng; khuyến khích đổi mới sáng tạo; đồng thời chú trọng công tác bảo đảm an toàn thông tin…