Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam năm 2023
Ngày 24/7/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1331/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trong năm 2023 các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đơn vị chuyên môn rà soát, chủ động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ trong chiến lược, chương trình phát triển thanh niên và đạt được những kết quả tích cực
Thực hiện Quyết định số 1331/QĐ-TTg các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của bộ, địa phương giai đoạn 2021 - 2030 và năm 2023 trên cơ sở cụ thể hóa các mục tiêu, chi tiêu của Chiến lược phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Ban hành cơ chế, chính sách thu hút, ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trẻ: mạnh dạn giao đề tài nghiên cứu khoa học cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ thực hiện để rèn luyện, phát triển về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác, từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực công tác.
Tập trung thực hiện các chỉ tiêu về dạy nghề cho thanh niên; tổ chức hướng nghiệp cho thanh niên; tập trung giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho thanh niên nông thôn. bộ đội xuất ngũ, thanh niên dân tộc thiểu số, nữ thanh niên, thanh niên khuyết tật, thanh niên sau cai nghiện, sau cải tạo và thanh niên khu vực nông thôn đang được đô thị hóa. Các địa phương đã tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hoạt động, vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh niên.
Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và hoàn thiện hơn, các loại hình vui chơi giải trí ngày càng đa dạng; công tác quản lý văn hóa được tăng cường, tích cực xử lý các sai phạm, ngăn chặn các sản phẩm, luồng tư tưởng không lành mạnh tác động xấu đến thanh niên; tạo cơ chế thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển các loại hình giải trí lành mạnh cho thanh niên.
Các cơ quan thông tin, truyền thông của địa phương thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược phát triển thanh niên, chương trình phát triển thanh niên của địa phương, từ đó góp phần thực hiện tốt chiến lược; phổ biến sâu rộng những chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm giáo dục lý tưởng, đạo đức và lối sống lành mạnh cho thanh niên.
Việc nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện thông qua các chương trình như: Dạy nghề, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu và giải quyết việc làm: thanh niên thuộc hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách để kinh doanh, sản xuất, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đối tượng thanh niên. Theo báo cáo của 28/63 địa phương tính đến ngày 31/12/2023 cả nước có 595.005 thanh niên được đào tạo dạy nghề: 204.293 thanh niên được giải quyết việc làm: 9.589 thanh niên đi xuất khẩu lao động. Một số địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ này, như: Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cà Mau, tỉnh Yên Bái (phụ lục số 6 kèm theo).
Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên như: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đối với thanh niên; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên khi xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức đối thoại với thanh niên tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về thanh niên; định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trên địa bàn.
Một số kết quả thực hiện chế độ chính sách đối với thanh niên
Về cơ chế, chính sách đầu tư cho thanh niên, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ chế chính sách đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm trường lớp đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, cấp tỉnh; một số địa phương đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên; nâng cấp các trường chuyên nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học nghề của thanh niên. Chính sách tín dụng cho thanh niên vay với lãi suất thấp để học tập trong các cơ sở đào tạo sau giáo dục phổ thông được thực hiện hiệu quả, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Các bộ, ngành và địa phương đã có những quy định cụ thể trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí, sử dụng công chức, viên chức trẻ nhằm thu hút những thanh niên có tài năng, có triển vọng vào làm việc để từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ này, như: Tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Bến Tre, thành phố Cần Thơ, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Yên Bái,...
Một số bộ, ngành và địa phương ban hành cơ chế thu hút và có chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch chức danh lãnh đạo quản lý theo phân công. phân cấp: mạnh dạn giao công chức, viên chức trẻ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, chương trình đề án, dự án nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực.
Các địa phương thường xuyên rà soát nhu cầu về nghề nghiệp và việc làm nhằm nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên; đồng thời, giao chỉ tiêu dạy nghề, giải quyết việc làm; phê duyệt các kế hoạch dạy nghề cho thanh niên lao động nông thôn; cấp kinh phí hỗ trợ dạy nghề; triển khai thực hiện Chương trình việc làm và xuất khẩu lao động đảm bảo quy định.
Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, tổ chức hướng nghiệp và giới thiệu việc làm; đặc biệt là tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của các địa phương; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho thanh niên; trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên và thanh niên; tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên và tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với việc triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thu hút, đãi ngộ trí thức trẻ. Căn cứ Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành và địa phương với sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp bước đầu đã cơ bản xây dựng văn bản hướng dẫn và kế hoạch để triển khai thực hiện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được các cấp, các ngành quan tâm và thực hiện đồng bộ. Công tác xây dựng kế hoạch thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của các cơ quan, đơn vị và địa phương được triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành và địa phương.
Việc triển khai hội nghị đối thoại với thanh niên, ngày 22 tháng 3 năm 2023, Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0". Chương trình được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới 63 điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và điểm cầu tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ chủ trì đối thoại, tham gia đối thoại có lãnh đạo các bộ, ngành và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Sau khi lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đại diện thanh niên Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, phân công các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời. giải đáp những kiến nghị, đề xuất của thanh niên và trực tiếp có những ý kiến phát biểu, chỉ đạo về những nội dung kiến nghị, đề xuất của thanh niên. Trên cơ sở nội dung Chương trình đối thoại. Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành nắm bắt tinh hình, lắng nghe kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của thanh niên, từ đó kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
Một số bộ, ngành đã tổ chức hội nghị đối thoại với thanh niên, cũng như lồng ghép chương trình gặp mặt và đối thoại với người đứng đầu bộ, ngành như: Chương trình, gặp mặt đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Công an với đoàn viên thanh niên lực lượng Công an Nhân dân, tại buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ đã lắng nghe và giải đáp một số vấn đề được đoàn viên, thanh niên Công an nêu như: Công tác chuyển đổi số hiện nay; cơ chế chính sách cho công an xã; vấn đề giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên là công an xuất ngũ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức các hội nghị đối thoại với thanh niên bằng các chủ đề phong phú, đa dạng phù hợp với từng địa phương và đối tượng thanh niên. Thông qua các hội nghị đã thông tin về thực trạng đội ngũ thanh niên hiện nay, những dự báo thời cơ, thách thức trong thời gian tới, hội nghị đã lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất chính đáng của đại diện thanh niên về những vấn đề thanh niên đang quan tâm: nội dung kết luận đối thoại được công khai đảm bảo theo đúng quy định của Luật Thanh niên. Đến nay đã có 62/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thành công hội nghị đối thoại với thanh niên./.