Tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Ngày 29/3/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 2271/BNN-TL gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Theo đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đặc biệt trong mùa mưa lũ 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp để xử lý hiệu quả đối với vi phạm về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi (xây dựng nhà ở, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, xây tường bao, …), cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, cụ thể như sau:
Về xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi:
Tiếp tục tổ chức thống kê, phân loại các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; trong đó làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp, xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn. Trong đó, quy định cụ thể nội dung về quy trình xử lý, trách nhiệm xử lý của Sở, ngành, UBND các cấp, đơn vị khai thác công trình thủy lợi, như sau:
Trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm: Tổ chức khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (điểm c khoản 2 Điều 42; khoản 11 Điều 54 của Luật Thủy lợi và khoản 4 Điều 157 của Luật Đất đai; khoản 5 Điều 56 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai).
Trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm: (i) UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý kiến nghị của Tổ chức khai thác công trình thủy lợi đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (khoản 5 Điều 56 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP); ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi (điểm h khoản 3 Điều 57 của Luật Thủy lợi); Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm (điểm a khoản 6 Điều 56 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP); trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập hồ sơ báo cáo UBND cấp huyện xử phạt theo quy định của Nghị định số 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP. (ii) UBND cấp huyện có trách nhiệm xử lý kiến nghị của cơ quan có liên quan, Tổ chức khai thác công trình thủy lợi, UBND cấp xã trong thời hạn quy định của pháp luật. Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (Luật xử lý vi phạm phạm hành chính, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP); pháp luật về đất đai (khoản 5 Điều 157 của Luật Đất đai, điểm a khoản 6 Điều 56 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP); pháp luật về thủy lợi (điểm h khoản 2 Điều 57 của Luật Thủy lợi).
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Tổ chức khai thác công trình thủy lợi báo cáo tình hình và kết quả xử lý vi phạm. Trường hợp vi phạm không được xử lý trong thời hạn quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm đôn đốc UBND cấp huyện và kiến nghị UBND cấp tỉnh xử lý theo quy định.
Về việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, chỉ đạo tổ chức khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn: Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới công trình thủy lợi (ưu tiên thực hiện đối với các công trình có nguy cơ xảy ra vi phạm lấn, chiếm phạm vi bảo vệ); chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa, bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để quản lý theo thác theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Thủy lợi; khoản 2, khoản 3 Điều 56 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai; Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 03/2022/TT-BNNPTNT ngày 16/6/2022. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 48 của Luật Thủy lợi; khoản 4 Điều 56 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Xử lý nguy cơ ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm nước tại một số hệ thống công trình thủy lợi đang diễn ra với mức độ khác nhau. Để khắc phục tình trạng trên, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan thực hiện: Triển khai các giải pháp, tổ chức thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải từ các làng nghề, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 56, 57, 86 Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 98/2019/NĐ-CP; Rà soát, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của công trình thủy lợi, trường hợp công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải thì không cấp giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường; Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm gây ô nhiễm chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, làm tốt công tác quản lý việc xả thải và thu gom chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi./.