banner
Thứ 6, ngày 20 tháng 9 năm 2024
Tỉnh Kon Tum tập trung Phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế tại địa phương
7-8-2024

Phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế tại địa phương

Với tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các đề án phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Qua đó, góp phần từng bước vào chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, nội bộ từng ngành nói riêng, nhất là ngành nông, lâm nghiệp; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế.

Là tỉnh miền núi, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tiềm năng phát triển sản phẩm chủ lực về nông sản, dược liệu của địa phương đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết tại địa phương. Trong lĩnh vực nông nghiệp, bước đầu đã hình thành được các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao trong sản xuất, đồng thời gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, đã tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như sâm Ngọc Linh, cà phê, cao su... 

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực, tỉnh Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy “về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực”; đã ban hành các Đề án về thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương; Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay, tỉnh tập trung phát triển 9 sản phẩm chủ lực gồm: Sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn; Sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; Sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; Cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; Điện; Du lịch sinh thái Măng Đen. 

Đã từ lâu, cà phê được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đặc biệt của tỉnh, cần tập trung đầu tư phát triển. Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 29.846 ha; sản lượng từ 54.563 tấn đến 63.270 tấn/năm, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn/năm. Đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cà phê Robusta ở huyện Đăk Hà (chiếm khoảng 44,37% diện tích cà phê toàn tỉnh và chiếm 53,26% diện tích cà phê Robusta của cả tỉnh), vùng chuyên canh cà phê Arabica tại các xã vùng Đông Trường Sơn tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. 

Về sản xuất Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, tổng diện tích Sâm Ngọc Linh là 2.422 ha; dược liệu khác khoảng 7.800 ha. Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu được hình thành và phát triển mạnh trong những năm qua. Sâm Ngọc Linh kết hợp với nguyên liệu khác đã từng bước tạo nên hệ thống sản phẩm phong phú, riêng có như: Sâm củ, rượu sâm các loại, trà sâm, dịch chiết sâm các loại, sâm mật ong... được thị trường đón nhận. Các sản phẩm được chế biến từ các loại dược liệu cũng có bước phát triển mạnh như: Rượu sâm Ngũ vị tử, rượu vang Sơn tra - Ngọc Linh, cao sâm dây, Sâm yến..., nhiều sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. 

Với những đặc tính thuận lợi, sắn đã được người dân lựa chọn canh tác và trở thành sản phẩm có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến cuối năm 2023, diện tích trồng sắn là 39.283,7ha. Việc phát triển cây sắn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đã được chú trọng. Hiện có 08 cơ sở chế biến tinh bột sắn đã có chủ trương đầu tư với tổng công suất thiết kế 1.430 tấn/ngày; 01 cơ sở chế biến cồn Ethanol có công suất 50 triệu lít/năm. 

Nhờ có đóng góp rất lớn từ các sản phẩm chủ lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh hằng năm khá cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 9,13%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 29,81 triệu đồng năm 2015 lên ước đạt 46,58 triệu đồng năm 2020. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn ước khoảng 18.938,78 tỷ đồng (đạt 97,62% kế hoạch), tốc độ tăng trưởng 7,32. GRDP bình quân đầu người khoảng 58,42 triệu đồng (đạt 102,49% kế hoạch) tăng 5,82 triệu đồng so với năm 2022. 

Có thể nói, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cơ bản phát triển theo định hướng; các sản phẩm từ cà phê có bước phát triển mạnh, cả về chất lượng, chủng loại sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Những kết quả này đã góp phần từng bước vào chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, nội bộ từng ngành nói riêng, nhất là ngành nông, lâm nghiệp; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế. 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trọng tâm là trong nông nghiệp; đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hàm lượng khoa học trong sản phẩm. 

Vùng nguyên liệu từng bước được hình thành và phát triển đáp ứng cả ba tiêu chí là cánh đồng lớn, chuyên biệt và ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện tiền đề quan trọng cho phát triển trong thời gian đến. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tiếp tục khai thác những lợi thế về phát triển các ngành kinh tế và sản phẩm chủ yếu của địa phương trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản với công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi; hình thành và mở rộng một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. 

Thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hướng đến các chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, từng bước hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung; thúc đẩy phát triển ngành du lịch./.

 

 

Thị Hạnh - Ipckontum
Số lượt xem:39

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 53 Số người online:
TNC Phát triển: