Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 20-24/01/2025
Ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum phiên bản 3.0; Quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ để tách thành dự án độc lập; Bảo đảm trật tự, ATGT cao điểm dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025; Chuẩn bị các nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện; Phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2025; Tiêu chí dự án nhà ở thương mại phải bố trí quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị loại IV, loại V; Hợp nhất các Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác về Cải cách hành chính và Chuyển đổi số tỉnh... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 20-24/01/2025.
Ủy quyền Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo thu hồi đất
Tại Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 20/01, UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo thu hồi đất đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 81 và khoản 1, 2 và 3 Điều 82 Luật Đất đai năm 2024 thuộc thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh quy định tại khoản 3 và điểm a khoản 6, Điều 32 và khoản 3, Điều 33 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Thời gian ủy quyền kể từ ngày Quyết định có hiệu lực (ngày 20/01/2025) đến ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và PTNT có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện, nếu Trung ương có quy định mới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025
Tại Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 20/01, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 với một số chỉ tiêu cụ thể:
Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để góp phần đạt được các mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, trong đó tập trung cải thiện các chỉ số: Phát triển bền vững; Năng lực Đổi mới sáng tạo; Phát triển Chính phủ điện tử; Quyền tài sản; Hiệu quả logistics; Năng lực Phát triển du lịch; An toàn an ninh mạng.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Tiếp tục giữ vững, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế tại các lĩnh vực, nội dung, tiêu chí, chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và cấp huyện (DDCI); thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; trong đó tập trung các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 16/5/2022 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình số 2359/CTr-UBND ngày 22/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng
Tại Công văn số 216/UBND-NC ngày 20/01, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân khi sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, chia sẻ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, tình cảm, các hình thức trao thưởng, tặng quà, mua bán hàng hóa, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử, huy động vốn… trên mạng Internet, mạng viễn thông và thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân biết, cảnh giác, phòng ngừa, tố giác tội phạm và tuân thủ đúng quy định của pháp luật...
Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2025
Tại Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 20/01, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2025 với phương châm hành động “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”;
Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát: Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Tăng cường huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi truờng đầu tư, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Chương trình hành động này và tình hình, điều kiện cụ thể, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác, xác định rõ từng nội dung công việc, thời gian hoàn thành và phân công một lãnh đạo chủ trì, chỉ đạo trực tiếp trong việc triển khai thực hiện; Thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp phù hợp, kịp thời và linh hoạt liên quan đến tình hình phát triển KTXH và dự toán NSNN trên địa bàn...
Ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum phiên bản 3.0
Tại Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 20/01, UBND tỉnh ban hành “Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum, phiên bản 3.0, hướng tới Chính quyền số” với định hướng phát triển CQĐT tỉnh, hướng đến Chính quyền số trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các CQNN một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp DVCTT toàn trình trên thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; góp phần giữ vững và cải thiện chỉ số xếp hạng quốc gia về CPĐT.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của CQNN; giảm bớt TTHC, cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích số để mang lại giá trị gia tăng cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành gắn với công tác cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch và đơn giản hóa TTHC, coi công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các CQNN và làm cho các DVCTT đơn giản hơn, minh bạch hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn để người dân được trải nghiệm các dịch vụ công tốt hơn...
Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2025
Tại Công văn số 242/UBND-KGVX ngày 21/01, UBND tỉnh giao Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội đầu năm.
Theo dõi, giám sát tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do vi rút, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội và các bệnh truyền nhiễm lưu hành phổ biến như sởi, sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, bệnh Dại, cúm gia cầm…; tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và chủ động hiệu quả các hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế và xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vắc xin trong thời gian Tết Nguyên đán và mùa lễ hội...
Quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ để tách thành dự án độc lập
Ngày 21/01, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2025/QĐ-UBND quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích để tách thành dự án độc lập để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 59 nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trên địa bàn tỉnh.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ 31/01/2025. Các dự án đầu tư có sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Quyết định có hiệu lực thi hành mà chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thực hiện: Trường hợp dự án phát triển KTXH thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý đủ điều kiện, tiêu chí, quy mô và tỷ lệ diện tích để tách khu đất thành dự án độc lập được quy định tại Quyết định này thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án độc lập thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Tại Công văn số 255/UBND-NC ngày 22/01, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở từng đơn vị, thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi…, không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Lãnh đạo các cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Tăng cường công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc tiêu biểu và người có uy tín trong các tôn giáo trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; chủ động tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo để có biện pháp giải quyết, không để phát sinh phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương...
Bảo đảm trật tự, ATGT cao điểm dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025
Công văn số 272/UBND-HTKT ngày 23/01, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông, Luật Đường bộ;
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó chú trọng vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng, các bài học kinh nghiệm rút ra từ các vụ tai nạn giao thông vào các dịp Lễ, Tết các năm trước; nâng cao ý thức, văn hóa giao thông khi tham gia giao thông; hỗ trợ quá trình thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; biểu dương thông tin người tốt việc tốt và các hành vi văn hóa giao thông tốt; thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và tại khu vực diễn ra Lễ hội xuân trong các bản tin thời sự, trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng thời lượng và nội dung tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025, chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, hướng dẫn các kỹ năng tham giao thông an toàn, các thông tin hỗ trợ hướng dẫn Nhân dân đi lại trong dịp nghỉ Tết...
Phê duyệt kết quả rà soát nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh
Ngày 23/01, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND phê duyệt kết quả rà soát nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Tổng số nhà tạm, nhà dột nát 2.752 căn (nhu cầu xây mới 2.186 căn, sửa chữa 566 căn);
Chia theo nhóm đối tượng: Hộ người có công với cách mạng 115 căn (xây mới 59 căn, sửa chữa 56 căn); hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình mục tiêu quốc gia 152 căn (hộ nghèo 127 căn, hộ cận nghèo 25 căn); hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.562 căn (hộ nghèo 1.138 căn, sửa chữa 93 căn); các hộ dân còn lại (hộ mới chia tách thuộc hộ nghèo; hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa được công nhận;…) 923 căn (xây mới 743 căn, sửa chữa 180 căn).
Kết quả rà soát nhà tạm, dột nát nêu trên là cơ sở để triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn quản lý...
Phê duyệt kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 của các cơ quan, địa phương
Ngày 23/01, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 57/QĐ-UBND phê duyệt kết quả Chỉ số CCHC năm 2024, cụ thể: Cơ quan khối tỉnh có 11/20 cơ quan xếp loại "Xuất sắc", 08/20 cơ quan xếp loại "Tốt" và 01/20 cơ quan xếp loại "Khá"; Đối với các huyện, thành phố, có 02/10 địa phương xếp loại "Xuất sắc", 08/10 địa phương xếp loại "Tốt".
Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; có giải pháp cải thiện Chỉ số CCHC ở những năm tiếp theo.
Chuẩn bị các nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện
Tại Công văn số 326/UBND-NC ngày 24/01, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát hoàn thiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng định hướng của Chính phủ và tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy.
Chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua. Theo đó, bảo đảm ngay sau khi bế mạc Kỳ họp Quốc hội, UBND tỉnh, huyện công bố các Quyết định về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để hoạt động ngay, không có khoảng trống pháp lý, liên tục, hiệu lực, hiệu quả (dự kiến công bố các Quyết định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy trong khoảng thời gian từ ngày 18/02/2025 đến ngày 20/02/2025).
UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục quy định; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc diện hợp nhất, tổ chức lại trong việc xây dựng phương án chi tiết về xử lý tài chính, tài sản khi hợp nhất, tổ chức lại; xử lý các dự án đầu tư công để các cơ quan, đơn vị căn cứ thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ...
Phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2025
Ngày 24/01, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2025 tới toàn thể các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh với Chủ đề “Đoàn kết - Kỷ cương, trách nhiệm - Chủ động, kịp thời - Tinh gọn, hiệu quả - Quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2025 và giai đoạn 2021-2025”.
Chủ tịch UBND tỉnh phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2025 với các nội dung thi đua, như: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động làm nòng cốt cho các phong trào thi đua của tỉnh; Tổ chức các hoạt động, tuyên truyền, phong trào thi đua thiết thực hiệu quả; Tổ chức tốt Đại hội thi đua, Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, các ngành và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ IX; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua tại đơn vị trên tinh thần cụ thể hóa những nội dung của Chỉ thị này. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và kịp thời biểu dương, khen thưởng để động viên các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua...
Tiêu chí dự án nhà ở thương mại phải bố trí quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị loại IV, loại V
Tại Quyết định số 07/2025/QĐ-UBND ngày 24/01, UBND tỉnh quy định tiêu chí đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, mà chủ đầu tư dự án phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị loại IV, loại V trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 05 héc ta trở lên được đầu tư xây dựng tại các đô thị loại IV và loại V đã được công nhận Chủ đầu tư dự án phải dành tối thiểu 10% tổng diện tích đất ở trong dự án (trừ đất ở hiện hữu, đất tái định cư) đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội;
Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 05 héc ta được đầu tư xây dựng tại các đô thị loại IV và loại V đã được công nhận, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm thực hiện đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất ở tối thiểu 10% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Hợp nhất các Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác về Cải cách hành chính và Chuyển đổi số tỉnh
Tại Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 24/01, UBND tỉnh hợp nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số và Tổ Công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Kon Tum (Ban Chỉ đạo).
Theo đó, Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; 5 Phó Trưởng Ban, gồm: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn hóa xã hội, Phó Trưởng Ban thứ nhất; Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối kinh tế tổng hợp, Phó Trưởng Ban thứ hai; Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác Cải cách hành chính; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban phụ trách công tác Chuyển đổi số; Giám đốc Công an tỉnh Phó Trưởng Ban, phụ trách công tác thực hiện Đề án 06.
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, các thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết những vấn đề liên quan các nhiệm vụ về cải cách hành chính; thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum...