Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định chi phí trong lựa chọn nhà thầu (Điều 12).
Chi phí trong lựa chọn nhà thầu
1- Đối với đấu thầu quốc tế, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định theo thông lệ đấu thầu quốc tế mức tiền nhà thầu phải nộp để mua bản điện tử hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Đối với gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tiền bán bản điện tử hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được chủ đầu tư nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với các gói thầu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì tiền bán bản điện tử hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu là nguồn thu của chủ đầu tư và được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính của chủ đầu tư.
2- Chi phí lập, thẩm định các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
a) Trường hợp thuê tư vấn đấu thầu để thực hiện một hoặc một số công việc trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì chi phí thuê tư vấn không căn cứ vào chi phí quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;
b) Trường hợp người có thẩm quyền giao cho cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện việc lập, thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu thì chi phí cho các công việc này được tính trong dự toán chi phí hoạt động lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Trường hợp tổ chuyên gia, tổ thẩm định do chủ đầu tư quyết định thành lập để thực hiện lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu thì chi phí cho các công việc này được tính trong dự toán chi phí hoạt động lựa chọn nhà thầu theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này;
d) Chi phí quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này được xác định trong tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm hoặc dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư hoặc dự toán chi thường xuyên của đơn vị;
đ) Việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này thực hiện theo cơ chế tài chính của chủ đầu tư.
3- Chi phí lập hoặc thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được tính bằng 0,5% chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng tối thiểu là 5.000.000 đồng và tối đa là 40.000.000 đồng.
Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu tối thiểu 2 triệu đồng, tối đa 6 triệu đồng
4. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ:
a) Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
b) Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,06% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
c) Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng;
d) Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.
Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối thiểu 3 triệu đồng, tối đa 60 triệu đồng
5. Chi phí đánh giá hồ sơ:
a) Chi phí đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
b) Chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.
Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối thiểu 3 triệu đồng, tối đa 60 triệu đồng
6. Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.
7. Đối với các gói thầu có nội dung tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm của cùng chủ đầu tư hoặc các gói thầu phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì các chi phí: lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính tối đa bằng 50% mức chi phí quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp phải tổ chức đấu thầu lại một phần của gói thầu (đối với gói thầu chia phần) thì chi phí được tính tối đa bằng 50% mức chi phí theo giá trị ước tính của phần tổ chức đấu thầu lại.
Trường hợp tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì phải tính toán, bổ sung chi phí lựa chọn nhà thầu vào dự án, dự toán mua sắm phù hợp với thực tế của gói thầu. Trường hợp đấu thầu quốc tế, chi phí dịch tài liệu được tính phù hợp với giá thị trường, bảo đảm hiệu quả của gói thầu.
Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị
8. Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn) của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị như sau:
a) Giá dự thầu dưới 50.000.000.000 đồng, tỷ lệ 0,03% nhưng tối thiểu là 5.000.000 đồng;
b) Giá dự thầu từ 50.000.000.000 đồng đến dưới 100.000.000.000 đồng, tỷ lệ 0,025% nhưng tối thiểu là 15.000.000 đồng;
c) Giá dự thầu từ 100.000.000.000 đồng đến dưới 200.000.000.000 đồng, tỷ lệ 0,02% nhưng tối thiểu là 25.000.000 đồng;
d) Giá dự thầu từ 200.000.000.000 đồng trở lên, tỷ lệ 0,015% nhưng tối thiểu là 40.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.
Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ, trường hợp nhà thầu có kiến nghị không được mở hồ sơ đề xuất về tài chính thì việc xác định chi phí cho Hội đồng tư vấn căn cứ vào giá gói thầu.
9. Hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị:
a) Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là đúng, các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm chi trả cho nhà thầu có kiến nghị số tiền bằng chi phí giải quyết kiến nghị mà nhà thầu có kiến nghị đã nộp;
b) Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là không đúng, nhà thầu không được hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị.
10. Đối với kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, Hội đồng tư vấn khoán chi cho các thành viên Hội đồng tư vấn, bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn và các chi phí khác để thực hiện việc tư vấn giải quyết kiến nghị.
Trường hợp trong quá trình kiến nghị, nhà thầu rút đơn kiến nghị thì chỉ được nhận lại 50% chi phí đã nộp trong trường hợp chưa thành lập Hội đồng tư vấn hoặc đã thành lập Hội đồng tư vấn nhưng chưa tổ chức họp hội đồng; trường hợp Hội đồng tư vấn đã tổ chức họp hội đồng thì nhà thầu không được hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị. Đối với số tiền còn lại sau khi hoàn trả cho nhà thầu và chi theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này, bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhà thầu rút đơn kiến nghị.
11. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm:
a) Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là 330.000 đồng cho 01 năm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhà thầu nộp chi phí này kể từ năm thứ hai trở đi sau năm đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Chi phí nộp hồ sơ dự thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là: 330.000 đồng cho 01 gói thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường; 220.000 đồng cho 01 gói thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với chào hàng cạnh tranh;
c) Chi phí đối với nhà thầu trúng thầu của gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường áp dụng đấu thầu qua mạng:
Đối với gói thầu không chia phần: tính bằng 0,022% giá trúng thầu nhưng tối đa là 2.200.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Đối với gói thầu chia thành nhiều phần, tổng chi phí nhà thầu trúng thầu đối với tất cả các nhà thầu trúng thầu không vượt mức tối đa là 2.200.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trường hợp giá trị của 0,022% nhân với tổng giá trúng thầu của gói thầu thấp hơn hoặc bằng 2.200.000 đồng thì chi phí nhà thầu trúng thầu của mỗi nhà thầu được tính bằng 0,022% tổng giá trị trúng thầu đối với các phần mà nhà thầu trúng thầu. Trường hợp giá trị của 0,022% nhân với tổng giá trúng thầu của gói thầu vượt mức 2.200.000 đồng thì chi phí nhà thầu trúng thầu của mỗi nhà thầu được tính theo công thức sau:
Chi phí nhà thầu trúng thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) = 2.200.000 đồng x (tổng giá trị trúng thầu đối với các phần mà nhà thầu trúng thầu/tổng giá trúng thầu của gói thầu);
d) Chi phí kết nối chức năng bảo lãnh dự thầu điện tử giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa đơn vị vận hành, giám sát Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp này.