banner
Thứ 5, ngày 18 tháng 4 năm 2024
Kết quả 10 năm thực hiện chính sách đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi
2-1-2023

Trong giai đoạn 2011 – 2021, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngân sách nhà nước đã bố trí 246.654,5 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 là 135.879,5 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 110.775 tỷ đồng); 68.736 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ; nguồn vốn ODA khoảng 2,6 tỷ USD, nguồn vốn hỗ trợ phi Chính phủ (NGO) khoảng 5,5 triệu USD (giai đoạn 2016-2020).

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước ta; có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh; là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS; là vùng có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Bên cạnh những thuận lợi trên, vùng đồng bào DTTS & MN, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, hạ tầng KT-XH thấp kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, vẫn là “lõi nghèo” của cả nước; vùng đồng bào DTTS & MN có địa hình hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động lớn của thiên tai, lũ lụt; nhiều nơi môi trường sinh thái tiếp tục bị suy thoái; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với mức bình quân chung của cả nước, khoảng cách chênh lệch về mức sống, trình độ phát triển KT-XH giữa các dân tộc, giữa các vùng ngày càng gia tăng; chất lượng hiệu quả về giáo dục đào tạo còn thấp, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn; tình trạng du canh du cư, di cư tự do vẫn còn diễn biến phức tạp; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đang dần bị mai một.... Những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách từng bước phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh cho vùng đồng bào DTTS & MN. Trong đó, có Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc (sau đây gọi là Nghị định số 05).

Trong giai đoạn 2011 – 2021, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, vốn vay ODA và các nguồn đầu tư khác.

Ngân sách nhà nước đã bố trí 246.654,5 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 là 135.879,5 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 110.775 tỷ đồng); 68.736 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu theo Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ; nguồn vốn ODA khoảng 2,6 tỷ USD, nguồn vốn hỗ trợ phi Chính phủ (NGO) khoảng 5,5 triệu USD (giai đoạn 2016-2020). Tuy chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng so với các giai đoạn trước, ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS & MN đã tăng lên.

Riêng Chương trình 135: 41.208,161 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2012-2015 là 16.994,2 tỷ; giai đoạn 2016 - 2020 là 24.213,961 tỷ đồng (Ngân sách trung ương là 19.226,000 tỷ đồng; Ngân sách địa phương là 3.991,614 tỷ đồng). Một số địa phương huy động nguồn lực lớn từ ngân sách tỉnh, huyện cho Chương trình như: Quảng Ninh (1.073,642 tỷ đồng cho 20 xã và 43 thôn), Bà Rịa – Vũng Tàu (377,305 tỷ đồng cho 15 thôn), Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đồng Nai, TP Cần Thơ... Huy động nguồn lực từ các tổ chức Quốc tế: Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ Ai Len đã viện trợ không hoàn lại với số tiền: 16 triệu Euro (tương đương 406 tỷ đồng) tài trợ cho Chương trình 135 để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ cho các xã đặc biệt khó khăn tại 5 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh. Ngoài ra, Ai Len bổ sung thêm gói hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động với tổng kinh phí 160.000 EUR (tương đương 4,24 tỷ đồng). Giai đoạn này, Chương trình 135 đã đầu tư 41.090 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn...).

Ngoài các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện một số chương trình hỗ trợ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS & MN.

Bên cạnh các chính sách, chương trình, đề án, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên, Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để tạo nguồn lực phát triển KT - XH như: chính sách cho vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở..., ngoài ra, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ DTTS theo từng vùng miền” với sự đa dạng về đối tượng, mục đích vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ngày càng hiệu quả. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào DTTS thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS & MN; giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và toàn vùng... góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển KT - XH, bảo đảm an sinh xã hội, giúp cho đồng bào DTTS được học tập, lao động sản xuất, tăng thu nhập, dần dần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chiến lược, chương trình, chính sách phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng đồng bào DTTS và MN. Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã ban hành 11 Chương trình KH&CN có liên quan đến vùng đồng bào DTTS đã thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển ở vùng này; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS; đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho vùng DTTS; giữ gìn và phát triển chữ viết của các DTTS có chữ viết và thúc đẩy thực hiện tốt các chính sách y tế, giáo dục, truyền thông, bảo vệ môi trường, sinh thái, như: nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến đồng bào DTTS; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả hồ treo cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc vùng cao núi đá Tây Bắc; xây dựng bản đồ phân vùng và cảnh báo lũ quét độ phân giải cao cho một số tỉnh vùng Tây Bắc; giải quyết nước sạch quy mô hộ gia đình và cụm dân cư; xử lý môi trường nông thôn và môi trường làng nghề; phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện và nước nóng; cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; chuyển giao 1.106 lượt công nghệ mới; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho trên 1.500 cán bộ quản lý KH&CN các cấp, 4.153 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương và khoảng 92.000 lượt nông dân. Các kết quả nghiên cứu về y học cổ truyền đã góp phần không nhỏ trong phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe đồng bào DTTS với chi phí thấp, điều trị hiệu quả.

Các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã có những chuyển biến tích cực. Sau khi được đào tạo nghề, kiến thức và kỹ năng của người lao động đã được nâng lên rõ rệt, nhiều người đã tự tạo ra việc làm, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ; các địa phương đã thực hiện đồng bộ các chính sách như vay vốn, hỗ trợ kinh phí dạy nghề, giáo dục định hướng, tạo điều kiện cho lao động người DTTS tham gia xuất khẩu lao động, có thu nhập ổn định, như: Chính sách giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS đã tạo điều kiện thuận lợi để người DTTS tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; Các chính sách tạo việc làm ở trong nước và nước ngoài đã hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người DTTS. Ngoài ra, đã hỗ trợ tạo việc làm ngoài nước trong giai đoạn 2016-2020 cho 6.836 lượt người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được đào tạo và làm các thủ tục xuất cảnh để đi làm việc ở nước ngoài. 

Các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển thương mại ở vùng đồng bào DTTS & MN được triển khai đồng bộ, có hiệu quả Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng thương mại4, khuyến khích phát triển thương nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản tại các địa phương, đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân; đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: mật ong rừng Sơn Động, Chè san tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn; xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển hoạt động đối với chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo hướng kết nối, phát triển hạ tầng thương mại.

 

 

 

Ngoài các chính sách trên, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người, DTTS có khó khăn đặc biệt, như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn và chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS có khó khăn đặc biệt theo Quyết định số 102/QĐ-TTg với kinh phí thực hiện trong 5 năm (2011-2015) là 2.904.362 triệu đồng, đã hỗ trợ cho 32.472.929 lượt người, đạt 94,6% kế hoạch; Đề án Phát triển KT - XH vùng các dân tộc: Mảng, La Hu, Cống, Cờ Lao, từ năm 2013-2020, ngân sách Trung ương đã cấp 503.564 triệu đồng/1.042.811 triệu đồng (đạt 48,2% kế hoạch) cho 03 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu; Chính sách Hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 được ban hành, nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn, bản; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc; thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế; đào tạo sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị ở thôn, bản vững mạnh. 

Các chính sách đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực vùng DTTS & MN đã mang lại hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, hoàn thiện, đặc biệt là các công trình như: đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh, điện, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học... ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH ở vùng DTTS & MN. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, đảm bảo an sinh xã hội; niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên; vùng đồng bào DTTS & MN không phát sinh các “điểm nóng”, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thế trận lòng dân trong thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh được củng cố và tăng cường. Trong những năm qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS & MN đều đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Dần hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa”; bình quân tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh theo từng năm, đã làm thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo vùng đồng bào DTTS & MN. 

Có thể nói, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 05 là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện CSDT đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDT. Tạo sự đồng thuận của các ngành, các cấp và đồng bào DTTS đối với CTDT, thực hiện hiệu quả CSDT, thúc đẩy phát triển KTXH vùng DTTS & MN. Do đó, Nghị định 05 cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử - là văn bản QPPL định hướng tổ chức thực hiện hệ thống CSDT thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thức tế; từng bước thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS & MN; tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên./.

 

Khắc Quang - Ipckontum
Số lượt xem:311

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 15 Số người online:
TNC Phát triển: